Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình

Những nhà thờ họ của ngôi làng này nằm san sát nhau trên con đường bê tông hình dạng lòng thuyền, dài chỉ khoảng 1km và không có các nhà dân xen lẫn.

23 nhà thờ họ uy nghi và đồ sộ nằm san sát nhau ở làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là ngôi làng có bề dày lịch sử văn hoá lâu đời hơn 500 năm, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển cư dân tỉnh Quảng Bình.

Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình

23 nhà thờ họ đồ sộ nằm san sát nhau trên một con đường.

Theo ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, làng Cao Lao Hạ có tổng cộng 25 dòng họ nhưng đã có đến 23 dòng họ dựng nhà thờ để làm nơi dâng hương cho ông bà tổ tiên. Đặc biệt, trong 23 nhà thờ họ có đến 14 nhà thờ họ Nguyễn.

Ông Lâm cho biết thêm: “Trải qua lịch sử hàng trăm năm và các cuộc chiến tranh, đến nay không ai biết chính xác thời gian các nhà thờ họ được xây dựng. Tuy nhiên, theo người làng Cao Lao Hạ, các dòng họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lê là những dòng họ đầu tiên khai khẩn ra làng Cao Lao Hạ và có nhà thờ họ".

Những nhà thờ họ của ngôi làng này nằm san sát nhau trên con đường bê tông hình dạng lòng thuyền, dài chỉ khoảng 1km và không có các nhà dân xen lẫn.

Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình (Hình 2).

Nhà thờ họ Lê Quang, Lưu Văn và họ Nguyễn là những họ đầu tiên trong làng được thành lập, xây dựng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, 72 tuổi, Trưởng họ Nguyễn làng Cao Lao Hạ, nếu nói làng Cao Lao Hạ là nơi có nhiều nhà thờ họ nhất tỉnh Quảng Bình thì cũng chưa chắc vì chưa ai xác lập. Tuy nhiên, có một điểm khá đặc biệt rằng các nhà thờ họ ở làng Cao Lao Hạ đều nằm giữa con đường hình lòng thuyền, không có nhà thờ họ nào nằm ở hai đầu đường và không có nhà dân xen lẫn.

Để xây dựng nhà thờ dòng họ mình, không chỉ có con cháu đang cư trú tại địa phương mà còn được con cháu, những người làm ăn xa xứ đóng góp. Mặc dù là địa phương thuần nông nhưng trong mỗi dòng tộc, con cháu ai ai cũng muốn có một nhà thờ họ tử tế. Mỗi nhà thờ là cả một câu chuyện của dòng họ, nối tiếp bao thế hệ. Nhà thờ họ xây sau thường đẹp hơn, to hơn, tốn kém hơn những công trình xây dựng trước.

Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình (Hình 3).

Mỗi nhà thờ họ có chi phí xây dựng trung bình từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ đồng.

“Mỗi nhà thờ họ ở đây có chi phí xây dựng trung bình từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ đồng, tất cả đều do con cháu trong mỗi dòng tộc đóng góp. Nhiều dòng họ như họ Lưu Văn (Lưu Làng) có trên dưới 600 đinh (con trai trong các gia đình của dòng họ-PV) ai cũng đóng góp để xây dựng nhà thờ họ. Hoặc như họ Nguyễn Phúc, có người tự nguyện đóng góp, ủng hộ tới 300 triệu đồng để xây dựng, tôn tạo làm nhà thờ họ”, ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng họ Nguyễn chia sẻ.

Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình (Hình 4).

Ông Nguyễn Xuân Trường cho biết, kinh phí xây dựng nhà thờ đều do con cháu trong dòng họ đóng góp.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cũng như bao ngôi làng khác, làng Cao Lao Hạ đến nay vẫn còn giữ vững truyền thống hiếu đạo, uống nước nhớ nguồn, trở thành nơi chôn rau cắt rốn của rất nhiều thế hệ. Xã Hạ Trạch từ trước đến nay là một xã thuần nông, suốt chiều dài lịch sử người dân dựa vào phù sa của dòng sông Gianh chảy dọc để trồng trọt. Người Hạ Trạch có thể không nổi tiếng giàu có, nhưng không chịu "thua" ai về khoản hiếu kính với tổ tiên. Vào các dịp lễ tết, ngày rằm, lễ thanh minh, con cháu ở xa đều quy tụ về đây để dâng hương, cúng bái tổ tiên, ông bà. Đây là một nét văn hoá truyền thống quý báu được lưu truyền và bảo tồn qua nhiều thế kỷ.

Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình (Hình 5).
Văn hoá - Độc, lạ con đường có tới 23 nhà thờ họ đồ sộ ở Quảng Bình (Hình 6).

Vào các dịp lễ tết và rằm, hàng nghìn con em Hạ Trạch trở về nhà thờ họ dâng hương, cúng bái tổ tiên.

Các nhà thờ họ tại Hạ Trạch không chỉ mở cửa vào những ngày cúng riêng của mỗi dòng họ, mà còn "mở hội chung" mỗi năm 2 lần gồm lễ Thanh minh vào dịp 15/3 âm lịch và lễ cúng Cồn Cui vào 16/6 âm lịch. Vào những ngày này, cả ngàn con em Hạ Trạch ở địa phương cũng như mọi miền đổ về ai cũng áo quần xúng xính, cùng nhau ăn uống, cùng nhau trò chuyện vui như trẩy hội.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/doc-la-con-duong-co-toi-23-nha-tho-ho-do-so-o-quang-binh-a53665.html