Một trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ
Theo đó, bệnh nhân C.V.B. (36 tuổi, ngụ xã Định Bình, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ và chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo, ngày 19/2, bệnh nhân B. xuất hiện các triệu chứng đau rát vùng quy đầu dương vật và một số mụn mủ nên đến phòng khám tư nhân để điều trị.
Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm mà còn xuất hiện nhiều bóng mủ tại bàn tay, cánh tay… nên B. đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau khám bệnh.
Tại đây, bệnh nhân được tư vấn đến Bệnh viện Da liễu Cần Thơ để thăm khám và điều trị. Sau đó, B. được chẩn đoán nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Về dịch tễ, gia đình bệnh nhân này có 5 người gồm: cha mẹ (mới đi nước ngoài về) và 2 người em đang sinh sống tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai truy vết và giám sát người tiếp xúc gần; khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch khu vực nhà ở của người bệnh tại xã Định Bình (thành phố Cà Mau) và gia đình ở xã Nguyễn Phích; hướng dẫn cách xử lý đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của người bệnh.
Đồng thời, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân và cộng đồng chung quanh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur và sẽ có hướng xử lý tiếp theo.
Tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch
Để chủ động phòng, phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khi tại cộng đồng bằng nhiều hình thức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn.
Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình bệnh, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
Tiến hành tổ chức tập huấn về công tác giám sát, xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ cho các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, điều tra dịch tễ và tiếp nhận vận chuyển mẫu xét nghiệm kịp thời. Đảm bảo hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân cần tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo cho hệ thống y tế dự phòng kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị bệnh đậu mùa khỉ, tổ chức công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến đúng theo quy định của Bộ Y tế; hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng nặng.
Khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch... cần hạn chế tiếp xúc người khác; chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời.
Lấy mẫu, phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng điều tra dịch tễ các trường hợp nghi ngờ do virus đậu mùa khỉ. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, không để thiếu thuốc. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phải giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; phát hiện sớm, tiến hành điều tra làm rõ các yếu tố dịch tễ liên quan; điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần, sau đó, cán bộ y tế lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Chỉ đạo, thực hiện cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện kiểm tra, rà soát thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm đúng theo quy định tại Thông tư 54 /2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế để kịp thời phát hiện và xử lý dịch nhanh chóng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhập thiếu, nhập trễ thông tin các ổ dịch và ca bệnh. Dự trữ đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, thuốc phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đã và đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước. Tích luỹ từ đầu năm 2023 đến trung tuần tháng 2/2024, khu vực phía Nam ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 12/20 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh (123 ca), Long An (6 ca), Bình Dương (5 ca), Cần Thơ (4 ca), Đồng Nai (3 ca), Lâm Đồng (3 ca), Sóc Trăng (2 ca), Kiên Giang (2 ca), Bến Tre (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Tây Ninh (1 ca) và Tiền Giang (1 ca). Tích luỹ có 7 trường hợp tử vong liên quan bệnh đậu mùa khỉ, tại thành phố Hồ Chí Minh (6 ca) và Kiên Giang (1 ca).
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ca-mau-phat-hien-mot-truong-hop-nghi-mac-dau-mua-khi-a53831.html