Trong truyện Tây du ký, sau khi Quan Âm Bồ Tát vâng mệnh Phật Tổ Như Lai đi tìm người lấy kinh, có đi qua sông Lưu Sa thì bị một con yêu quái tấn công, sau đó nó đánh nhau với để tử của Quan Âm là Mộc Tra và biết được lại lịch liền chạy tới trước mặt Quan Âm cúi đầu lạy xin tha tôi và thưa rằng:
“Nguyên trước tôi hầu Ngọc Ðế làm chức Quyển Liêm Đại tướng (có bản dịch là Quyện Liêm Đại tướng), nhân hội bàn đào lỡ tay làm bể đèn lưu ly (có bản dịch là chén lưu ly) nên Ngọc Ðế bắt tội đánh 800 roi, đày xuống hạ giới, biến ra xấu xa, còn 7 ngày có gươm bay đến đâm tôi một lần, đau đớn quá chừng. Lại thêm đói lạnh chịu không nỗi, nên làm sóng gió bắt người qua lại mà ăn thịt, nay rủi phạm nhầm Bồ Tát”.
Có thể thấy bản chất Sa Tăng không phải người xấu, ông vốn là tướng trên Thiên đình vì phạm lỗi mà bị đày xuống trần gian, biến thành xấu xí, lại thêm bị đói bị khổ và liên tục bị trừng phạt, nhưng không thể đi khỏi sông Lưu Sa. “Bần cùng sinh đạo tặc” nên ông đã dần dần mất đi nhân tính, trở thành yêu quái chuyên làm hại dân lành và ăn thịt người vô số.
Hiểu được bản chất của sự việc, nên Quan Âm đã không trách tội, mà còn mở ra đường sống cho Sa Tăng, giúp ông cải tà quy chính, lấy công chuộc tội.
Quan Âm nói: “Ngươi đã có tội lại ăn thịt người, tội càng thêm nặng. Nay ta lãnh sắc Phật Tổ đi tìm người lấy kinh. Ta muốn ngươi đợi đây theo người này lên Tây Phương thỉnh kinh, ta kêu gươm bay đó không đâm ngươi nữa. Sau này nên công hết tội, đặng phục chức cũ”. Được Bồ Tát chỉ lối sáng cho đi, Sa Tăng đã vui mừng chấp nhận, xin quy y làm lành, chờ phò tá người đi lấy kinh.
Và trong quá trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, Sa Tăng đã hoàn toàn thay đổi. Ông không còn hung hãn, dữ tợn mà trở thành một con người hiền lành, trung hậu, siêng năng và cần mẫn nhất trong các đồ đệ của Đường Tăng. Sa Tăng luôn không ngại gian khổ, tận tụy phò tá sư phụ, dũng cảm chiến đấu chống lại yêu quái.
Câu chuyện của Sa Tăng cho chúng ta thấy rằng, không ai là hoàn toàn xấu xa. Con người có thể thay đổi theo hoàn cảnh. Đôi khi, một người phạm lỗi không hẳn do bản chất của họ xấu xa mà là do hoàn cảnh tác động. Chúng ta nên có cái nhìn khách quan, bao dung và giúp đỡ những người lầm đường lạc lối để họ có cơ hội sửa chữa sai lầm và trở lại làm người tốt.
Quốc Tiệp
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tay-du-ky-nguyen-nhan-sau-xa-khien-sa-tang-an-thit-nguoi-vo-so-a53852.html