Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng

Định Nam đao tương truyền gắn với cuộc đời Mạc Thái Tổ hiện lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Hải Phòng được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.

Sánh ngang với "Yển Nguyệt đao" của Quan Vũ

Ghé thăm Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích giới thiệu về Bảo vật quốc gia Định Nam đao tương truyền xưa kia Mạc Thái Tổ (1483 - 1541) đã sử dụng trong suốt sự nghiệp bình thiên hạ.

Văn hoá - Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng

Định Nam đao dài 2,55 m, nặng 25,6 kg (trước khi bị gỉ sét do thời thời, thanh đại đao này có thể nặng tới 32 kg) có thể sánh sang với "Yển Nguyệt đao" nổi tiếng của Quan Vũ (Ảnh: Thái Phan).

Thái tổ Mạc Đăng Dung sinh ra và lớn lên ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng). Tương truyền, Mạc Thái Tổ có tướng mạo và sức khỏe khác thường. Mến tài, một thợ rèn nổi tiếng trong vùng đã rèn tặng thanh đại đao để ông dùng giúp nước.

“Trải qua thời gian gần 500 năm, Định Nam đao còn khá nguyên vẹn, chỉ có một số bộ phận bị hoen gỉ. Đến nay, Định Nam đao nặng 25,6 kg với chiều dài 2,55 m. Thanh đao có 2 phần lưỡi và cán có thể tháo dời, được gắn với nhau bằng chốt đồng. Theo nhận định của các chuyên gia, trước kia khi Mạc Thái Tổ sử dụng, Định Nam đao nặng khoảng 32 kg”, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, thông tin.

Qua việc sử dụng binh khí nặng tới 32 kg, có thể thấy sức vóc của Mạc Thái Tổ to lớn đến nhường nào. Thanh đại đao này có thể sánh ngang với “Yển Nguyệt đao” rất nổi tiếng của Quan Vũ thời Tam Quốc bên Trung Quốc.

Văn hoá - Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng (Hình 2).

Nghi lễ an vị Định Nam đao ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích cung cấp).

Với Định Nam đao, Thái tổ Mạc Đăng Dung đã trúng Võ trạng nguyên dưới triều vua Lê Uy Mục, sau đó được sung quân Túc vệ. Trong các cuộc dẹp loạn phe phái ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa..., Định Nam đao trở thành trợ thủ đắc lực giúp Mạc Thái Tổ liên tiếp giành được thắng lợi.

Với nhiều công lao đối với đất nước, triều đình, Thái tổ Mạc Đăng Dung được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương. Khi triều Lê suy tàn, vào năm 1527, hoàng đế Lê Cung Hoàng hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung. Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã lập nên triều Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.

Mạc Thái Tổ ở ngôi đến năm 1529 thì nhường ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh, sau đó lui về làm Thái Thượng hoàng. Khi Mạc Thái tổ băng hà vào năm 1541, Định Nam đao được đem về quê hương ông và thờ ở lăng miếu tại làng Cổ Trai.

Hành trình trở lại cố hương

Năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, con cháu họ Mạc phải thay tên đổi họ rời đi khắp nơi sinh sống để tránh khỏi sự truy sát. Định Nam đao cũng theo một phân chi họ Mạc từ huyện Nghi Dương về với vùng đất Nam Định.

Đến đầu thế kỷ 19, lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa muốn dùng Định Nam đao để chống lại quân triều đình. Khi ấy, con cháu họ Mạc ở Nam Định đã bí mật chôn giấu thanh đao của Mạc Thái Tổ. Trải qua hơn 100 năm dưới lòng đất, trải qua chiến tranh và thay đổi của thời gian, địa điểm chôn giấu Định Nam đao cũng không ai còn nhớ.

Năm 1938, khi đào hồ, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định đã tìm thấy thanh đại đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Sau đó, Định Nam đao được thờ tại từ đường dòng họ tại Xuân Trường, Nam Định.

Văn hoá - Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng (Hình 3).

Lễ Khai bút đầu Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Ảnh: Thái Phan).

Văn hoá - Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng (Hình 4).

Du khách du Xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (Ảnh: Thái Phan).

Để tưởng nhớ công lao của các vua nhà Mạc với đất nước, năm 2009, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc được khởi công với diện tích hơn 10 ha trên quê hương Thái Tổ Mạc Đăng Dung ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Đây là 1 trong 3 công trình của Tp.Hải Phòng hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đến năm 2010, giai đoạn 1 Dự án đầu tư xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc được hoàn thành. Sau đó, Định Nam đao được rước về thờ phụng tại khu vực Hậu cung của Khu tưởng niệm. Cũng trong năm 2010, Định Nam đao được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, cho biết, liên tục từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến Rằm tháng Giêng, Ban Quản lý mở cửa khu vực Hậu cung để người dân địa phương, du khách chiêm ngưỡng Định Nam đao.

Với sức hút đặc biệt của thanh đại đao tương truyền xưa kia Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã dùng, cùng với lễ hội dịp đầu Xuân, trong đó nổi bật là Lễ Khai bút vào ngày mồng 6 Tết, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đón tiếp đông đảo khách du lịch trong và ngoài Tp.Hải Phòng.

Văn hoá - Chiêm ngưỡng Định Nam đao tương truyền Mạc Thái Tổ từng sử dụng (Hình 5).

Định Nam đao được rước từ Nam Định về thờ phụng tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích cung cấp).

“Ước tính, trong 2 tháng đầu năm 2024, Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đón khoảng 36.000 lượt du khách, tăng hơn 6.000 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, năm 2024, Khu tưởng niệm đón hơn 65.000 lượt du khách.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban Quản lý Khu di tích phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là tạo điều kiện cho du khách được tận mắt chiêm ngưỡng thanh đại đao tương truyền gắn bó với Thái Tổ Mạc Đăng Dung trong suốt sự nghiệp bình thiên hạ”, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Vương triều Mạc chia sẻ.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/chiem-nguong-dinh-nam-dao-tuong-truyen-mac-thai-to-tung-su-dung-a53856.html