Từ Cảng cá Ngọc Hải trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, di chuyển chừng 500 m là đến khu vực đền Bà Đế nằm dưới chân núi Độc. Lưng đền tựa núi, mặt đền hướng ra vùng biển Đồ Sơn quanh năm sóng vỗ.
Đền Bà Đế là một trong những điểm đến văn hóa - tâm linh của vùng đất Đồ Sơn thu hút rất đông du khách, nhất là dịp đầu Xuân. Đền gắn liền với đền là câu chuyện nàng Hương xinh đẹp và mối tình oanh trái với chúa Trịnh.
Theo câu chuyện truyền ngôn trong vùng, vào thế kỷ 18, ở vùng đất Đồ Sơn có cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau nhiều lần cầu tự mới linh ứng. Người vợ mang thai và sau đó sinh hạ được một cô con gái. Do người nàng luôn tỏa mùi thơm, nên cha mẹ đặt tên là Hương, dân trong vùng quen gọi nàng Hương.
Khi lớn lên, nàng Hương nổi tiếng khắp vùng vì xinh đẹp, hát hay. Dù đã đến tuổi cập kê, nhưng nàng chưa yêu ai mà ngày ngày mải mê phụ giúp cha mẹ công việc gia đình, đồng áng.
Trong một lần kinh lý tới vùng biển Đồ Sơn, chúa Trịnh đã gặp nàng Hương và hai người đem lòng yêu nhau. Họ đã có với nhau những giây phút ân ái mặn nồng. Sau đó, chúa Trịnh trở về kinh đô với lời hứa sẽ cho người đón nàng. Còn nàng Hương đã mang giọt máu của người mình yêu.
Thế nhưng, nàng Hương chờ mãi mà không thấy chúa Trịnh cho người đến đón trong khi cái thai trong bụng cứ lớn dần. Sau đó, nàng bị trói và dìm xuống biển theo tục lệ xưa.
Khi đó, nàng Hương chắp tay than rằng: Phận gái thân cô gặp Chúa yêu thương tôi đâu dám chống, nghĩa cha mẹ họ hàng tôi đâu dám quên. Xin trời phật chứng giám cho lòng con, khi con bị dìm xuống nước nếu có oan ức thì cho con nổi lên lần, hãy cho con được sống. Nếu con dối trá thân này sẽ chìm xuống để làm gương cho đời.
Mặc dù nàng đã nổi lên theo lời khấn, nhưng bọn cường hào, ác bá khi ấy đã nhẫn tâm buộc đá để nàng chìm xuống biển mang theo bao nỗi oan khuất. Khi thuyền hoa của chúa Trịnh đến đón, nàng Hương đã thác. Nghe tin, chúa Trịnh rất ân hận lệnh cho địa phương lập đàn giải oan và xây đền thờ nàng Hương tại nơi nàng đã thác.
Khi vua Tự Đức thời nhà Nguyễn đến thăm, sau khi nghe câu chuyện oan khuất của nàng Hương, vua ban sắc phong “Ðông Nhạc Ðế Bà - Trịnh chúa phu nhân”. Từ đó đền thờ nàng Hương được gọi là đền Bà Đế.
Lễ hội đền Bà Đế được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hằng năm. Ngoài cầu tài, cầu lộc, người dân địa phương và du khách thập phương còn cầu xin giải nỗi oan khuất cho bản thân, gia đình.
Từ câu chuyện về mối tình oan trái giữa chúa Trịnh và nàng Hương, người dân địa phương cho rằng, cặp đôi nào đang yêu nhau nếu cùng đến đền Bà Đế dễ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, thậm chí sẽ phải chia lìa.
Khu vực ghềnh đá trước cửa đền Bà Đế hiện có 4 khối đá trông giống những ngôi mộ. Nhiều người cho rằng, đời sau đã dựng lên để tưởng nhớ nàng Hương. Bốn ngôi mộ tượng trưng cho một gia đình gồm vợ chồng và hai con.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Đình Dũng - Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, cho biết, 4 khối đá thực chất là những bệ bằng bê-tông được xây dựng hơn 40 năm trước để làm giá đỡ cho hệ thống ống dẫn nước biển về khu vực làm muối của địa phương.
Sau này, nghề làm muối suy tàn, hệ thống dẫn nước biển cũng bị dỡ bỏ, chỉ còn những bệ đỡ. Trải qua năm tháng, đến giờ những bệ bê-tông này hà đá phủ kín.
Ông Dũng cho biết thêm, mỗi năm, đền Bà Đế đón hàng vạn du khách trong nước và quốc tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, chính quyền địa phương phối hợp Ban Quản lý Di tích đền Bà Đế tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tình trạng trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan, nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/noi-ghi-dau-moi-tinh-oan-trai-giua-chua-trinh-va-co-thon-nu-a53883.html