Tại quê hương Thái tổ Mạc Đăng Dung ở huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, có hàng chục di tích đền, chùa lưu lại dấu ấn Vương triều nhà Mạc, trong đó có chùa Trà Phương với hai bảo vật quốc gia là phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn và tượng Mạc Thái Tổ.
Chùa Trà Phương còn được người dân địa phương gọi là chùa Bà Đanh, tên chữ là Thiên Phúc tự, được xây dựng từ đầu thế kỷ 11 dưới thời nhà Lý (1009 - 1225). Ngày đó, chùa Trà Phương là trung tâm Phật giáo lớn trong vùng. Trong số những di vật còn sót lại từ ngày chùa mới được xây dựng là 3 bệ đá xanh đỡ cột được chạm trổ hình hoa sen 16 cánh rất tinh xảo.
Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa Trà Phương dần bị tàn phá. Đến đời nhà Mạc, chùa Trà Phương được nhà vua ban chiếu trùng tu, tôn tạo. Sự việc bắt nguồn từ câu chuyện còn lưu truyền trong vùng, thời trai trẻ Thái tổ Mạc Đăng Dung đã thoát nạn khi bị truy đuổi nhờ nương náu trong chùa.
Trong lần đó, Mạc Thái Tổ đã gặp gỡ và đem lòng yêu mến cô thôn nữ xinh đẹp, hiền dịu, nết na Vũ Thị Ngọc Toàn. Sau này, 2 người nên duyên vợ chồng. Khi lên ngôi, Mạc Thái Tổ phong cho bà làm hoàng hậu và sau khi nhường ngôi cho con, tấn phong Thái hoàng Thái hậu.
Sau khi nhà Mạc thất thủ ở kinh thành Thăng Long, nhiều công trình, di tích mang dấu ấn triều đại phong kiến phát tích ở đất Kiến Thụy đã bị tàn phá. Chùa Trà Phương cũng chịu chung số phận.
Sau này, người dân địa phương góp công, góp của phục dựng chùa Trà Phương như ngày nay. Chùa được xây theo hình chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Chính điện thờ Phật, tiền đường thờ Mạc Thái Tổ và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Trong chùa Trà Phương hiện còn lưu giữ 5 bệ tượng Phật. Trong đó, 3 bệ tượng đặt tượng Tam thế và 2 bệ đặt tượng A di đà. Theo các tài liệu còn lưu trữ và truyền ngôn trong vùng, các pho tượng này có từ đời nhà Mạc.
Trong số những di vật cổ được lưu giữ tại chùa Trà Phương, nổi tiếng nhất phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn và tượng Mạc Thái Tổ. Trong đó, tượng Mạc Thái Tổ được làm từ chất liệu đá có chiều cao 63cm, ngang 37cm. Bức tượng được tạo tác theo phong cách tượng tròn với dạng thức kiểu tượng hậu, ngồi trong thế nhập thiền, tĩnh tại. Tượng có khuôn mặt trái xoan, mắt tròn to, mũi phồng, đầu mũi khá to, miệng nhỏ hơi mím, tai to, cằm nhọn.
Còn phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cũng được làm từ chất liệu đá, được khắc chìm trong mặt bia, cao 76cm. Phù điêu được tạc hõm sâu vào một khối đá với tư thế ngồi thiền, vẻ mặt trầm tư. Tượng có mặt tròn, thon gọn, phúc hậu, lông mày lá liễu, mắt phượng, mũi thấp. Đầu tượng để tóc bối, bổ ngôi và sơn đen.
Tượng Mạc Thái Tổ và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có niên đại thời nhà Mạc được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia.
Dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, rất đông người du khách ghé chùa Trà Phương để thăm quan, vãn cảnh và tận mắt chứng kiến 2 bảo vật quốc gia có từ thời Mạc.
Đến đây vào dịp này, cùng với nghe người dân địa phương kể những câu chuyện kỳ thú liên quan đến Mạc Thái Tổ và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, du khách còn được nghe câu đồng dao “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” với niềm tự hào quê hương Kiến Thụy đã sinh ra và nuôi dưỡng vị vua sáng lập ra Vương triều nhà Mạc và người vợ nổi tiếng xinh đẹp, hiền lành, đức độ.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ngoi-chua-luu-giu-hai-bao-vat-quoc-gia-o-hai-phong-a54390.html