Ngày 7/3, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn đã ghi nhận có 5 trường hợp người bị chó dại cắn, trong đó có 2 trẻ em.
Các địa phương xảy ra vụ việc bị chó dại cắn là xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch) và xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom).
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, kết quả tiêm phòng dại từ đầu năm 2023 đến nay là 100.396/139.110 con tổng đàn, đạt tỷ lệ 72,17% là tỷ lệ tiêm phòng cao. Trong khi đó, kết quả điều tra dịch tễ các ổ dịch rất thấp, trung bình dưới 20% tổng đàn.
Theo đó, công tác phòng chống bệnh dại cũng gặp nhiều khó khăn nhất định từ việc thống kê đàn chưa sát với thực tế, có thể thấp hơn rất nhiều lần, dẫn đến nhận định sai trong công tác đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 20 ổ dịch dại trên chó tại 7 huyện, thành phố, trong đó có những xã ghi nhận 2-3 ổ như xã Túc Trưng (huyện Định Quán) 3 ổ; xã Sông Trầu ( huyện Trảng Bom) 2 ổ; đặc biệt có những ổ dịch, chó dại đã cắn 2-3 người như tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hoà).
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang đứng thứ 3 trong cả nước về rất nhiều chỉ tiêu, cho thấy các biện pháp phòng, chống bệnh dại thời gian qua chưa hiệu quả, dịch bệnh xu hướng ngày càng tăng.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc đa phần người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định về quản lý chó, mèo và tiêm phòng vắc-xin dại cho vật nuôi vẫn chưa triển khai thực hiện.
Trước tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm, CDC Đồng Nai khuyến cáo người dân, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dại do chó, mèo gây ra.
Bệnh dại hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu người bị phát bệnh thì tỉ lệ tử vong 100%. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương, tuỳ vào vị trí vết cắn mà thời gian phát bệnh có thể vài tuần, vài tháng, vài năm.
Nếu như không may bị chó, mèo cắn thì phải sơ cứu vết thương đúng cách để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.
Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà như: Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i- ốt. Sau đó, cần đến ngay cơ sở tiêm chủng gần nhất để được thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp.
Khuyến cáo đặt biệt, tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến virus dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể, không tự ý sử dụng các loại thuốc Nam để chữa trị.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường công tác giám sát, quản lý cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh dại, qua đó hướng dẫn cách phòng, chống bệnh dại.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dong-nai-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-dai-a54409.html