Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa

Bản Cát Cát là một ngôi làng H’Mông cổ, nơi giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hóa độc đáo của người H’Mông.

Văn hoá - Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa

Bản Cát Cát - cái tên quen thuộc và là địa điểm hấp dẫn luôn được du khách ưu ái lựa chọn mỗi khi đặt chân tới Sa Pa. Bên cạnh nghề trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc thì người làng Cát Cát còn nuôi dưỡng và phát huy rất tốt các nghề thủ công truyền thống, những phong tục tập quán có giá trị cao về văn hóa - lịch sử.

Nghề thủ công độc đáo

Bản Cát Cát nằm cách trung tâm thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai khoảng 2km và nằm yên ả quần tụ dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Ngôi làng với dân cư chủ yếu là người H’Mông, được hình thành từ giữa thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chọn nơi đây làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức trong chính quyền thuộc địa và đặt tên cho nơi đây là Cát Cát.

Đến đây du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đặc biệt là sắc màu thổ cẩm của người Mông. Nghề truyền thống se lanh, dệt vải, thêu thùa của người Mông Cát Cát đã và đang là sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ở Cát Cát khó phân định ranh giới giữa việc giữ nghề truyền thống để làm du lịch và giữ nghề truyền nối thuần túy trong gia đình, bởi đồng bào dân tộc ở đây họ thật sự đã thổi được cái “hồn” của văn hóa bản địa vào sự tinh túy của nghề…

Văn hoá - Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa (Hình 2).

Khung dệt thô sơ nhưng qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Mông đã dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Để làm ra những sản phẩm bền đẹp, đòi hỏi người làm phải có đôi bàn tay khéo léo và bề dày kinh nghiệm. Tại bản Cát Cát, dễ dàng gặp rất nhiều người dân tộc H’Mông mến khách và được nghe họ giới thiệu về các sản phẩm làm từ làng nghề của mình.

Trong số hơn 100 hộ người Mông đen sinh sống tại đây, có nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình dựa vào nghề truyền thống se lanh dệt vải, thu nhập của những hộ này trên dưới 10 triệu đồng/tháng từ việc bán sản phẩm cho du khách. Đặc biệt khu du lịch Cát Cát hình thành và phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đồng bào Mông nơi đây giữ gìn phát huy nghề truyền thống này.

Gia đình bà Vàng Thị Tùng (thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sapa) là một trong những hộ gia đình lưu giữ được truyền thống se lanh, dệt vải tại bản Cát Cát. Từ khi khu du lịch bản Cát Cát phát triển và thu hút khách du lịch đến tham quan gìa đình bà cùng 13 hộ khác được Công ty TNHH MTV du lịch Cát Cát hỗ trợ phát triển nghề thủ công se lanh, dệt vải. Công việc này vừa tạo điểm nhấn cho du khách đến tham quan, các khâu làng nghề vừa tạo ra sản phẩm để bán cho du khách. Nhờ vậy, nghề truyền thống này được gìn giữ và phát huy tích cực, đời sống của bà con dần được nâng lên.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Vàng Thị Tùng cho biết: “Nghề truyền thống của người Mông chúng tôi là nghề trồng lanh dệt vải, từ khi còn bé tôi đã được bố mẹ cho đi trồng lanh sau đó dậy se lanh, dệt vải từ đó cho đến nay tôi đã 70 tuổi rồi nhưng vẫn làm nghề này để giữ lại nghề truyền thống của bố mẹ”.

Văn hoá - Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa (Hình 3).

Bà Vàng Thị Tùng.

Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, nguyên liệu chính làm ra vải là sợi cây lanh qua nhiều công đoạn từ tước, lăn, hóng gió rồi đem luộc khi đã dệt thành thành sản phẩm. Sau đó đồng bào Mông nhuộm chàm và được thêu hoa văn. Kỹ thuật tạo hoa văn của người Mông cũng rất độc đáo.

Đặc biệt để tạo hoa văn trang trí trên thổ cẩm, họ đun nóng sáp ong rừng rồi dùng bút nhúng sáp nóng chảy vẽ trực tiếp lên vải. Phần dính sáp khi nhuộm sẽ không bám màu tạo ra độ đậm nhạt trên sản phẩm. Cứ thế tùy theo nhu cầu sử dụng, những người phụ nữ Mông sẽ thực hiện công việc này nhiều lần để tạo nên hoa văn với đường nét, hoạ tiết cách điệu khác nhau trên tấm vải thổ cẩm.

Gìn giữ, phát huy những văn hoá giá trị 

Đến với bản Cát Cát du khách còn có cơ hội tìm hiểu thêm về du lịch cộng đồng, việc phát triển mô hình này tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Điều này đã được Cát Cát làm rất triệt để và vô cùng hiệu quả. Nhằm giải quyết vấn nạn trẻ em và cụ già xin tiền du khách, ban quản lý khu du lịch Cát Cát đã đưa phương án rất thiết thực. 

Văn hoá - Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa (Hình 4).

Những chàng trai, cô gái tập duyệt chương trình biểu diễn văn nghệ thực cảnh tái hiện những sinh hoạt của người dân bản địa

Cụ thể, vào những ngày cuối tuần và dịp nghỉ hè các trẻ em trong khu được trang bị quần áo truyền thống, được các chuyên gia về văn hóa Mông dạy lại những bài hát cổ, nhạc cụ cổ của dân tộc mình như: kèn lá, đàn môi, chữ Mông… là những vốn cổ, quý, gần như sắp biến mất. Không chỉ các chàng trai, cô gái mà các già làng trưởng bản cũng được tham gia biểu diễn văn nghệ thực cảnh tái hiện những sinh hoạt của người dân bản địa nhằm giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc.

“Ngay từ khi thành lập công ty, ban giám đốc đã xác định đây là du lịch làng văn hoá cộng đồng. Chúng tôi đã nỗ lực vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu về giá trị văn hoá truyền thống. Như trước đây bà con chỉ bán những sản phẩm thổ cẩm lẻ tẻ, hàng quán lụp xụp, thì giờ đây người dân đã trực tiếp tham gia hoạt động du lịch và mang lại lợi ích cho chính họ, góp  phần làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ, trẻ em, người già và bảo tồn giá trị di sản nơi đây”, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Cát Cát bộc bạch.

Văn hoá - Giữ gìn nét đặc sắc văn hoá ở bản làng bình yên trên Sapa (Hình 5).

Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Cát Cát.

Với tất cả sự cố gắng của mình, khu du lịch bản Cát Cát được đánh giá cao của khách du lịch và những người yêu văn hóa H’mông. Điều này đã đúng với ban quản lý khu du lịch bản Cát Cát. Bởi họ đã biến Cát Cát trở thành điểm đến chắc chắn không thể bỏ qua khi đến Sapa.

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/giu-gin-net-dac-sac-van-hoa-o-ban-lang-binh-yen-tren-sapa-a54816.html