Thăm di tích quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng

Nữ tướng Lê Chân là vị tướng tài ba thời Hai Bà Trưng. Bà góp công lớn trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm và khai phá trang An Biên xưa, Hải Phòng nay.

Trên địa bàn Tp.Hải Phòng, có 2 công trình mang tên đền Nghè được đông đảo người dân địa phương, du khách ghé thăm dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, đền Nghè ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thờ Lục vị tiên công có công khai phá vùng đất này.

Đền nghè còn lại nằm trên địa bàn phường An Biên, quận Lê Chân, thờ Nữ tướng Lê Chân - người đã khai phá và thành lập trang An Biên xưa, Hải Phòng nay.

Theo sử sách, Nữ tướng Lê Chân quê ở làng An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bà đã đến vùng đất ngã 3 sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm lập ấp Vẻn, sau đó đổi tên thành trang An Biên.

Nữ tướng Lê Chân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và giành nhiều chiến thắng vang dội trước quân xâm lược. Sau khi khởi nghĩa thành công, bà được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, giữ chức Trấn Đông Đại Tướng quân thống lĩnh đạo quân Nam Hải trấn giữ miền Hải Tần.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, Nữ tướng Lê Chân đã tuẫn tiết tại núi Giát Dâu để không sa vào tay giặc (năm 43). Tưởng nhớ công ơn vị nữ tướng tài ba có nhiều công lao với quê hương, đất nước, người dân trang An Biên đã dựng miếu tranh thờ bà.

Văn hoá - Thăm di tích quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng

Người dân địa phương, du khách thắp hương tri ân và tưởng nhớ Nữ tướng Lê Chân tại đền Nghè ở phường An Biên, quận Lê Chân, Tp.Hải Phòng.

Đến năm 1919, miếu được xây dựng lại khang trang, rộng rãi với tên gọi đền Nghè. Đền Nghè mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn với các tòa: Tam quan, Bái đường, Hậu cung, Giải vũ, Nhà bia… và nơi đặt tượng voi, ngựa đá.

Trong đó, tòa Bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột lim lớn. Chính giữa nóc đắp nổi hàng chữ Hán: An Biên cổ miếu. Tòa hậu cung gồm 3 gian, xây cao hơn tòa Bái đường, với thiết kế kiểu 2 tầng mái để tăng thêm sự bề thế, uy nghi cho đền.

Năm 1975, đền Nghè được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2008, Tp.Hải Phòng tiến hành tu bổ, tôn tạo khiến đền càng quy mô, bề thế hơn.

Ngày 30/11/1999, Tp.Hải Phòng khởi công công trình Tượng đài Nữ tướng Lê Chân tại khu vực dải trung tâm Thành phố cách đền Nghè khoảng 1 cây số. Tượng đài Nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn. Công trình được khánh thành ngày 30/12/2000.

Có một điều rất kỳ lạ, từ khi khánh thành Tượng đài Nữ tướng Lê Chân đến nay, chưa có cơn bão lớn nào đổ bộ vào Hải Phòng trong khi trước đó, thành phố Cảng thường chịu thiệt hại do bão. Nhiều người dân Hải Phòng tin rằng, Nữ tướng Lê Chân đã hiển linh phù hộ cho vùng đất bà đã khai phá và được giao trấn thủ.

Văn hoá - Thăm di tích quốc gia thờ Nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng (Hình 2).

Tượng đài Nữ tướng Lê Chân tại dải trung tâm Tp.Hải Phòng cách đền Nghè khoảng 1 cây số.

Để tưởng nhớ và tri ân Nữ tướng Lê Chân, dân làng trang An Biên chọn ngày 8/2 Âm lịch là sinh của bà (ngày Thánh Đản) tổ chức lễ hội. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân sau này được Tp.Hải Phòng khôi phục lại và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Năm 2024, Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18/3 (từ 7 đến 9/2 Âm lịch) với rất nhiều nghi lễ, hoạt động truyền thống do Bảo tàng Hải Phòng chủ trì tổ chức.

Theo bà Bùi Thị Nguyệt Nga - Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 chủ yếu diễn ra ở 3 không gian, gồm: Đền Nghè, đình An Biên và Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (đều trên địa bàn quận Lê Chân, Tp.Hải Phòng).

Tại Lễ hội năm nay, Bảo tàng Hải Phòng khôi phục hội thi hoa thủy tiên. Trước đây, hội thi là một phần không thể thiếu được trong Lễ hội để chọn bình hoa thủy tiên đẹp nhất dâng Nữ tướng Lê Chân vào ngày sinh của bà. Sau này, do một số nguyên nhân khách quan, hội thi hoa thủy tiên không còn được duy trì.

Đặc biệt, ngay trước thềm Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024, Bảo tàng Hải Phòng tiếp nhận bộ đồ thờ tự  bằng vàng gồm: 1 chuỗi hạt, 1 đôi vòng, 1 đôi hoa tai, 3 cái cúc, 2 hộp sáp môi, 2 đôi hoản, quạt, 1 lá trầu 3 quả cau, thẻ khánh, 1 miếng vàng lá do các nghệ nhân xưa chế tác dâng cúng Nữ tướng Lê Chân.

Theo tài liệu của Bảo tàng Hải Phòng, năm 1959, nhận nhiệm vụ trông coi đền Nghè, ông Phạm Bá Hùng gửi số cổ vật này vào Ngân hàng Quốc gia Việt Nam theo quy định lúc đó với trọng lượng gần 4 lạng. Năm 1976, số cổ vật này tiếp tục được gửi ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hải Phòng.

Sau 48 năm, số cổ vật bằng vàng kể trên vẫn được bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hải Phòng. Để bảo tồn và phát huy giá trị, ý nghĩa của các hiện vật cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, du khách, Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị và phía ngân hàng đã đồng ý để Bảo tàng Hải Phòng nhận lại số hiện vật này.

 

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/tham-di-tich-quoc-gia-tho-nu-tuong-le-chan-tai-hai-phong-a54976.html