Các chị bầu luôn mong bào thai trong bụng mẹ khỏe mạnh nhất, thông minh nhất, phát triển những năng khiếu như ngôn ngữ, âm nhạc... Thai giáo theo kinh nghiệm nhà nôngĐỌC NGAY
Dù không thích nghe nhạc cổ điển chút nào, chị N. cũng ráng nghe. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu có được thời gian rảnh là chị liền bật nhạc cổ điển để nghe. Nghe trên ô tô, nghe lúc đi dạo bộ, buổi tối lại nghe tiếp... Có hôm nghe nhiều mệt, chị trở nên khó chịu, cáu kỉnh... Tối đến, nhiều ngày dù đi làm về mệt rũ, hai vợ chồng đều ráng nói chuyện với thai nhi.
TS Bùi Chí Thương - trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM - cho biết trong thực tế ông gặp nhiều thai phụ áp dụng thai giáo sai cách làm thai phụ mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, thậm chí có những trường hợp dọa sinh non do vuốt ve bụng bầu quá nhiều.
Nghe nhạc cổ điển, nghe nhạc giao hưởng tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ, nhưng nhiều thai phụ bản thân lại không thấy hay, thậm chí còn chán ghét thể loại nhạc này nhưng vẫn ép mình nghe mà không biết rằng cảm xúc của người mẹ có ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Nhiều ông bố bà mẹ còn mở nhạc âm lượng lớn vì sợ bé trong bụng mẹ không nghe rõ, tuy nhiên điều này có thể gây khó chịu và gây hại cho thai nhi.
Theo bác sĩ Thương, các bậc cha mẹ chỉ cần chọn bất cứ loại nhạc yêu thích nào miễn có giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu chậm rãi, du dương... để thư giãn cho mẹ và phát triển thính giác cho bé.
Bác sĩ Thương cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ chỉ nên mở nhạc loa ngoài ở mức vừa phải, vừa đủ nghe, hoặc sử dụng tai nghe chuyên dụng dành cho mẹ bầu để giúp phát triển thính giác của bé một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, trong lúc nghe nhạc, mẹ cũng nên lắng nghe chuyển động của bé để xem rằng bé có thoải mái với hoạt động này hay không.
Xoa bụng và massage nhẹ sẽ kích thích phát triển xúc giác cho bé, nhưng các bậc cha mẹ không được xoa mạnh hoặc đặt tay trên thành bụng, nhất là khu vực đáy tử cung, bởi có thể kích thích những cơn co tử cung gây sẩy thai hoặc sinh non. Thai phụ chỉ cần ôm bụng đi lại nhẹ nhàng, hoặc vừa đặt tay lên bụng vừa trò chuyện cùng bé cũng là cách tăng xúc giác hiệu quả.
Thai giáo đúng cách
Bác sĩ CKII Văn Phụng Thống, nguyên phó khoa cấp cứu Bệnh viện Từ Dũ, cho biết thai giáo được hiểu là phương pháp giáo dục thai nhi ngay từ trong bụng mẹ, nhờ đó thai nhi được kích thích phát triển các tiềm năng về cả thể chất và trí tuệ, dễ dàng làm quen với cuộc sống bên ngoài ngay sau khi chào đời.
Thai giáo đúng cách sẽ giúp các giác quan của bé phát triển tốt hơn, nhờ đó thúc đẩy được khả năng nhận thức của bé. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bé được thai giáo có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn so với những bé khác, phát triển ngôn ngữ ở bé, giúp bé phản xạ tốt hơn.
Thai giáo cũng là cơ hội để cha gắn kết với mẹ, và cha mẹ gắn kết hơn với thai nhi. Mẹ có thể cảm nhận được thai nhi đang ngủ hay đang thức, hay đang đùa giỡn đạp trong bụng mẹ… nhờ đó theo dõi được sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ.
Đối với người cha, thai giáo cho con sẽ giúp cha tăng kết nối với thai nhi và tăng trách nhiệm chăm sóc bé khi chào đời. Thai giáo còn giảm nguy cơ trầm cảm khi mang thai ở thai phụ.
Các cách thai giáo
Theo bác sĩ Văn Phụng Thống, thai giáo cho bé cần được tiến hành trên cả 5 giác quan là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác bởi ngay từ khi còn trong bụng mẹ, 5 giác quan này của bé đã được hình thành và phát triển đầy đủ.
Thai giáo bằng thị giác còn được gọi là thai giáo bằng ánh sáng để kích thích thị giác của bé, tạo tiền đề cho bé sở hữu đôi mắt khỏe mạnh khi chào đời. Thị giác là giác quan hình thành muộn nhất, bắt đầu từ tuần thứ 8 của thai kỳ, nhưng đến tuần thứ 18 thai nhi mới có thể cảm nhận ánh sáng mờ mờ bên ngoài tác động qua tử cung của mẹ.
Để kích thích thị giác cho bé, mẹ nên chọn chỗ ngồi thoải mái và dùng đèn pin di chuyển dọc theo bụng để thai nhi tiếp nhận ánh sáng một cách tốt nhất.
Mẹ nên vừa dùng đèn pin soi bụng, vừa trò chuyện để cảm nhận phản ứng của bé. Chỉ nên thực hiện 5 phút hoặc 3 vòng bụng với mức độ ánh sáng vừa phải để tránh ảnh hưởng đến thị giác của bé. Ngoài ra, mẹ có thể tắm nắng buổi sáng để thai nhi cảm nhận được ánh sáng mặt trời tự nhiên.
Thính giác của bé phát triển từ khá sớm lúc 4 tuần tuổi, nhưng phải đến tuần thứ 16 bé mới có phản ứng với âm thanh và đến tuần thứ 24-25 hệ thống truyền âm thanh đến tai mới hoàn chỉnh. Khi đó, bé đã có thể nghe được âm thanh và ngôn ngữ ở thế giới bên ngoài bụng mẹ.
Vì thế, cha mẹ có thể kích thích sự phát triển thính giác của bé bằng cách trò chuyện với bé nhiều hơn để mang lại cảm giác thân thuộc, ấm áp và an toàn cho bé.
Cha mẹ có thể đọc cho bé nghe những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích… để kích thích hệ thần kinh của bé làm quen với ngôn ngữ. Kết hợp cho bé nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương để kích thích trí nhớ, giúp bé chào đời sẽ đọc sớm và nói sớm hơn.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/thai-giao-khong-dung-cach-me-bau-cang-thang-thai-nhi-kho-chiu-a55523.html