Khi nhắc đến đạo diễn Trần Anh Hùng, có lẽ không người yêu điện ảnh nào lại không nhớ đến những cái tên như Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Rừng Nauy. Chỉ với số lượng phim không nhiều, nhưng Trần Anh Hùng đã tạo nên cho mình được một thương hiệu, một đẳng cấp của một nhà làm phim (điều mà rất nhiều người làm phim ao ước, nhưng không nhiều người đạt tới được).
Người xem điện ảnh bị anh chinh phục bởi những thước phim đầy ma mị, choáng ngợp, đậm chất ngôn ngữ điện ảnh, từ khung hình đến âm nhạc, tiết điệu phim, cho cả cấu trúc tự sự. Đó là một thứ điện ảnh đầy vi tế.
Sở hữu trong mình một nội lực làm phim của một nhà làm phim đẳng cấp, Trần Anh Hùng tiếp tục chiêu đãi khán giả Việt với bộ phim mới phát hành năm 2024, tựa đề Muôn vị nhân gian.
Bộ phim là câu chuyện tình yêu đầy thi vị giữa một người nữ đầu bếp và chủ một lâu đài lớn – nơi thường diễn ra các bữa ăn “thượng hạng”. Đồng thời, người chủ lâu đài đó còn là một người rất sành ăn.
Phim lấy bối cảnh vào năm 1885, thời điểm mà ở đó mọi vẻ đẹp đều mang âm hưởng của sự cổ kính (cổ điển), đạo diễn cho người xem thưởng lãm không gian bếp, khu vườn, khung cảnh cạnh lâu đài đẹp như miền cổ tích. Trong cái nền của bức tranh hiện thực đầy mê đắm đó, những con người yêu ẩm thực xuất hiện, và câu chuyện giữa hai nhân vật chính Eugénie và Dodin chính là dòng âm thanh chủ đạo của bản hòa nhạc.
Chuyện bắt đầu với khung cảnh một khu vườn đầy rau củ, xanh mướt, nơi Eugénie thường hay ra thu hoạch (trước khi vào bếp chế biến món ăn). Một khung cảnh bình dị, gợi cho ta nhớ về thời mà mọi gia đình đều có khu vườn rau của riêng mình. Tiếp đến là cảnh về khu bếp trong tòa lâu đài, và ở đây, mọi chuyện bắt đầu và kết thúc, cho một chuyện tình, cho một bộ phim.
Đạo diễn Trần Anh Hùng khéo sắp đặt những khung hình của sự bận bịu trong bếp, nhưng mọi vật và con người cùng với những cánh cửa và ánh sáng tạo nên một sự bài trí như những bức tranh di động. Tính mỹ thuật trong việc tạo dựng hình ảnh phim, đúng là sở trường của vị đạo diễn tài năng này.
Tất cả diễn ra, không nhiều lời nói, mà chỉ hành động. Những hành động được “kể” một cách chi tiết, tường tận, như một kiểu ngôn ngữ “không lời” nhưng truyền bao thông điệp. Thông điệp đó chính là sự cầu kỳ trong việc chế biến các món ăn.
Tôi vẫn còn nhớ về những bộ phim (dù hiện tại tôi không nhớ rõ tên phim) của Trung Quốc, cũng có nói về nghệ thuật ẩm thực đầy công phu của những nghệ nhân ẩm thực Trung Quốc. Nhưng cái sự trải nghiệm xem đó, mang tính nghe nói (nhân vật nói về món ăn) nhiều hơn là việc tận mắt “chứng thực” cách chế biến món ăn (một cách chi tiết và tỉ mỉ bằng những khung hình đầy mỹ cảm – “không thể đẹp hơn”).
Riêng ở Muôn vị nhân gian, ta được tận mắt quan sát cách một đầu bếp nấu ăn công phu là như thế nào. Và cái tài của đạo diễn, là nâng hình cảnh ấy lên thành nghệ thuật, một kiểu đẹp của “ngôn ngữ điện ảnh”, điều mà phải là một đạo diễn thực sự có tài mới làm được. Ở đây, ẩm thực không còn là sự nấu ăn đơn thuần, mà đã được nâng tầm lên thành nghệ thuật nấu, mà phải là một đầu bếp xuất chúng mới có thể chạm đến được cái vi tế của nghệ thuật đó.
Và đương nhiên, đã có người nấu ăn thì phải có người thưởng thức món ăn đó. Nếu một món ăn ngon mà gặp phải người không biết thưởng thức (sự kết hợp giữa việc uống rượu, và ăn món nào trước nào sau) thì giá trị của món ăn giảm đi một nửa. Nhưng bộ phim đã làm tròn vai trò đó, với nhân vật chính nữ nấu ăn xuất sắc, và nhân vật chính nam là một người sành ăn xuất sắc.
Nếu cách nấu là nghệ thuật, người nấu là nghệ sĩ, thì cách ăn cũng là nghệ thuật, và người ăn cũng là nghệ sĩ. Ăn không chỉ là ăn, mà là thưởng thức giá trị nghệ thuật ẩm thực. Giống như mọi loại hình nghệ thuật khác, như điện ảnh, xem không chỉ là xem, mà đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật (của một tài năng điện ảnh).
Đạo diễn đã khéo tôn vinh nghệ thuật ẩm thực, không chỉ qua những khung hình đầy mỹ cảm ở gian bếp (nơi tạo ra những món ăn), mà còn tạo nên những khung hình hết sức kì vỹ, đầy ma mị, giống như chìm trong một cõi siêu thực nào đó, trong việc thưởng thức món ăn.
Nghệ thuật điện ảnh tạo tác cùng nghệ thuật ẩm thực để tôn vinh lẫn nhau, nâng đỡ nhau, để kiến thiết nên những giá trị mang tính vĩnh cửu. Cái sự vĩnh cửu đó, được lồng vào một câu chuyện tình yêu đầy say đắm và lay động.
Nếu Eugénie nấu ăn ngon đến đâu, mà không có một người sành ăn như Dodin, thì tất cả những món ăn đó cũng không được tôn vinh. Nếu một người sành ăn như Dodin, chuyên nghĩ ra những món ăn lạ và ngon (theo trí tưởng tượng của riêng mình) mà không có một đầu bếp tài năng để biến những ý tưởng kia trở thành hiện thực, thì cũng không có sự ra đời của những món ăn nổi tiếng.
Chính tình yêu ẩm thực, tình yêu giữa hai con người yêu ẩm thực, đã tạo nên những hương vị riêng, những món ăn riêng, mang tính độc nhất vô nhị. Và đương nhiên, đó là những món ăn mà “vạn người ăn vạn người khen ngon”.
Nhìn một cách tổng thể, bộ phim là sự cân đối trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp của sự “nấu nướng” và vẻ đẹp của sự “ăn uống”. Trong chuyện thưởng thức món ăn, không chỉ Dodin là người sành ăn, mà những người bạn của ông cũng vậy. Nhưng Dodin là đại diện “mẫu mực” cho sự sành ăn đó.
Với ông, ăn không chỉ ăn, mà là sự mê đắm nghệ thuật ẩm thực. Sự cân đối còn thể hiện ở sự hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, bình dị, đẹp như miền cổ tích. Ở đó, mọi người bên nhau chỉ có sự yêu thương và quý trọng nhau. Và gần như tất cả các nhân vật (chính diện) đều coi trọng nghệ thuật ẩm thực. Ẩm thực như một bản hòa âm, mà mỗi nhân vật là một âm bản.
Sự cân đối còn thể hiện ở sự bị bệnh và đau yếu của nhân vật chính, cái chết mang đầy kịch tính bất ngờ, đột ngột, như những điểm xuyến cao trào, làm cho một bộ phim mềm mại, nhẹ nhàng giảm đi phần nào sự tẻ nhạt.
Sự ra đi của nhân vật nữ chính mới chính là dư vị đầy lắng đọng, và thông điệp về ẩm thực càng thêm sâu sắc (khi một người đã từng qua cay đắng, thì món ăn cũng mang trong mình một hương vị riêng, điều mà ai từng trải qua mới thấu nhận được). Và bài ca về ẩm thực càng thêm ngân cao…
Và trên hết, điều đọng lại sau cùng (và còn lưu dấu lâu dài trong người xem) là cái dư vị về những món ăn, được đặt vào cái dư vị tình yêu, dư vị cuộc sống, để cho bài ca về ẩm thực trở thành một bài ca tuyệt đích. Khi mọi thứ đều quyện chặt vào nhau, tạo thành một tổng thể nội dung và nghệ thuật, của một kiệt tác điện ảnh…
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/muon-vi-nhan-gian-bai-ca-tuyet-dich-ve-am-thuc-a55526.html