Đột quỵ ngày càng trẻ hóa
Theo Vnexpress, trong một đêm, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 6 ca đột quỵ độ tuổi từ 32-45, nhiều nhất trong vài năm gần đây, cảnh báo bệnh ngày càng trẻ hóa.
Như bệnh nhân nữ 32 tuổi, ở Hưng Yên, được đưa đến khi liệt nửa người trái hoàn toàn, nói ngọng. Chị được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh giờ thứ nhất. Động mạch cảnh đưa máu giàu oxy đến các cơ quan và mô ở đầu cổ, bao gồm cả não.
Chỉ trong 35 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu huyết khối, sau đó chị hết nói khó, còn yếu nhẹ nửa người phải, tiếp tục theo dõi.
Vừa kết thúc ca bệnh trên, các bác sĩ tiếp nhận một bệnh nhân nam 32 tuổi. Khi đang chơi cầu lông cùng bạn, anh đột ngột liệt nửa người trái, khó nói. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ nhất do tắc động mạch não giữa phải, được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối đồng thời tái thông mạch máu. Nhờ đến viện sớm và được điều trị tái tưới máu tích cực bằng hai cách trên, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn.
Không may mắn như hai trường hợp trên, người phụ nữ 40 tuổi được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy. Chị có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc, khi đang làm việc ca đêm thì đột ngột đau đầu rồi rơi vào hôn mê. Người bệnh được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60ml. Với lâm sàng hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Chia trẻ trên Dân Trí, PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, số bệnh nhân đột quỵ vào Trung tâm tăng qua các năm. Năm 2023, các bác sĩ tiếp nhận 13.228 người, tăng hơn 2.000 ca so với năm trước đó, khoảng 8% là người trẻ. Khoảng 20% bệnh nhân đến viện sớm, tăng so với trước nhưng vẫn rất thấp so với thế giới.
Nhận biết đột quỵ ở người trẻ tuổi
Các triệu chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi tương tự như ở người lớn tuổi:
· Đột ngột bị yếu hoặc tê ở mặt, cánh tay hoặc chân.
· Thay đổi đột ngột trong lời nói.
· Đột ngột khó đi lại hoặc giữ thăng bằng.
· Đột nhiên đau đầu dữ dội.
· Thay đổi nhanh về tầm nhìn.
Có hai dạng đột quỵ:
1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, trong đó dòng máu và oxy bị gián đoạn gây tổn thương mô não. (Ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, bệnh tim và xơ vữa động mạch ở các mạch máu lớn là những nguyên nhân chính). Nhóm này chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ trong tổng số ca đột quỵ và 60% số ca đột quỵ gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
2. Đột quỵ xuất huyết, máu rò rỉ ra khỏi mạch máu vào hoặc xung quanh não gây tổn thương mô não bên dưới (do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu não) chiếm khoảng 15% tổng số ca đột quỵ, nhưng chiếm 40% số ca đột quỵ ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Theo Hội Đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người 15-49 tuổi. Trong 6,5 triệu ca tử vong do đột quỵ, người trẻ chiếm hơn 6%. "Con số này gây đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội", bác sĩ Tôn nhận định.
Phó giáo sư PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, bệnh nhân cần được điều trị phối hợp các chuyên khoa như chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phẫu thuật thần kinh cấp cứu cho người chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng.
Nhiều người may mắn sống sót sau đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, PGS.Tôn khuyến cáo người trẻ nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường...
Người trẻ cũng cần tầm soát yếu tố nguy cơ
PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, người có bệnh nền huyết áp, mỡ máu, tiểu đường...
Vì thế, PGS Tôn đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:
- Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…
- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ như giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt..., cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Quỳnh Chi (t/h)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/dot-quy-o-nguoi-tre-tuoi-ngay-cang-tre-hoa-cach-nhan-biet-va-phong-tranh-a55735.html