Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết phòng khám truyền nhiễm của bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân mắc các triệu chứng như đau bụng, sút cân, mệt mỏi, ngứa. Kết quả xét nghiệm dương tính cùng lúc với nhiều loại giun sán như sán dây bò, sán lá gan lớn, sán lá gan bé, giun đũa chó mèo.
Một số loại giun sán xâm nhập vào cơ thể con người qua da khi tiếp xúc. Một số giun sán lây truyền qua đường ăn uống, như ăn món tái, sống, chưa được nấu chín kỹ hoặc thực phẩm không hợp vệ sinh, chứa trứng hoặc ấu trùng sán.
Các loại thịt đỏ ăn tái, sống
Ký sinh trùng như sán dây bò thường ký sinh trong thịt nạc, nội tạng động vật. Bởi vậy, các món từ thịt, nội tạng bò, lợn nếu không được nấu chín có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng.
Con bò hay lợn khỏe mạnh, vi sinh vật không nhiễm trong thịt mà ở đường tiêu hóa. Bởi vậy, khi giết mổ, cần đảm bảo bộ phận tiêu hóa của bò hay lợn không bị vỡ ra, vi sinh vật sẽ không chui từ đường tiêu hóa ra ngoài. Nói cách khác, quy trình giết mổ sạch cho ra thịt sạch.
Tuy nhiên, nhìn chung, bạn thường không biết được nguồn gốc thịt khi mua. Vì vậy, bác sĩ Thiệu khuyên cẩn trọng nếu ăn thịt bò tái, bởi có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan. Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Thịt bò, thịt lợn hay các loại thịt đỏ nói chung chưa nấu chín thường chứa Taenia saginata (sán dây bò) và Taenia solium (sán dải lợn), chúng có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, sau khi ở trong cơ thể 2-3 tháng, chúng có thể trưởng thành dài vài mét, thậm chí hàng chục mét, vươn tới não, xuống dưới đến hậu môn, và di chuyển tự do trong cơ thể con người.
Như vậy, món phở bò tái hoặc bò tái nhúng lẩu, bò bít tết tái là món ăn khoái khẩu của nhiều người, song có thể khiến người ăn bị nhiễm sán.
Các loại ốc, động vật có vỏ
Các động vật có vỏ như nghêu, sò, hến... đặc biệt là ốc, chứa một lượng lớn giun ký sinh (sán lá gan, sán lá phổi...), số lượng lớn không có nghĩa chỉ là hàng chục mà là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Đặc biệt nguy hiểm là ấu trùng giun tròn ống Angiostrongylus cantonensis. Trong 1 con ốc có thể lên tới hơn 3.000-6000 con ký sinh trùng này.
Tuy nhiên, ốc rất khó nấu chín hoàn toàn nếu giữ nguyên phần vỏ, dù xào hay rửa sạch cũng khó loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng. Điều đáng lo là các loại ký sinh trùng trong ốc chủ yếu tấn công vào các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người như gan, phổi... thậm chí là hệ thần kinh trung ương nên nhiễm trùng có thể gây đau đầu dữ dội, cứng cổ và trong một số trường hợp nặng sẽ dẫn đến viêm màng não và tê liệt.
Nem chua
Nem chua là thực phẩm không được nấu chín mà lợi dụng hơi men của lá (lá ổi, lá sung) và thính gạo để làm chín. Quá trình chế biến, thịt lợn giã nhuyễn trộn với thính, bì lợn thái chỉ, muối tiêu, đường, tỏi, sau đó chia thành các phần nhỏ, cuốn kèm với một loại lá nào đó tùy khẩu vị người ăn. Với cách chế biến này, nếu thịt lợn làm nem chua bị nhiễm sán, giun, nguy cơ lây sang người rất cao.
Nem đủ ngày, đủ độ chua, axit trong nem có thể tiêu diệt trứng, ấu trùng sán. Nem chưa lên men đủ ngày thì trứng, ấu trùng sán nếu có trong nem chưa bị tiêu diệt, người ăn có thể bị nhiễm ký sinh trùng.
Rau sống, nước ép rau củ
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, rau sống hoặc các thực phẩm như nước ép rau củ sống cũng tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm ký sinh trùng cho người ăn.
Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip gây bệnh lỵ.
Vì vậy đặc biệt chú ý khi trồng, sơ chế và ăn các loại rau sống. Dù các loại rau phổ biến như xà lách, cải cúc, rau má… hay các loại rau thủy sinh có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm nhất như rau cần, rau cải xoong, rau rút, củ niễng, ngó sen, rau ngổ, rau muống nước…
Thực tế, các loại rau trồng dưới đất, dưới nước nên dễ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, chưa kể nhiều nơi nước thải ô nhiễm hoặc được tưới bằng phân tươi. Vì vậy, nguyên tắc đơn giản là rửa sạch rau trước khi chế biến.
Bản chất ký sinh trùng không phải vi trùng, vi khuẩn mà là trứng giun, trứng sán, thậm chí con giun, con sán, nên khi rửa dưới vòi nước sạch sẽ trôi hết.
Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn các món sống, nên ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, chọn nguyên liệu tin cậy để bảo vệ sức khỏe.
Quỳnh Chi (t/h)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nap-hang-nghin-ky-sinh-trung-khi-an-nhung-loai-thuc-pham-nay-a55952.html