Bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ là một dự án nghệ thuật lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay, mà một người sáng tác văn chương ở Việt Nam đã và đang thực hiện, về việc tiểu thuyết hóa cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập 1: “Nợ nước non”, xuất bản năm 2022. Tập 2: “Lênh đênh bốn biển”, xuất bản năm 2023. Và bây giờ là tập 3, với nhan đề: “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (Bản thảo, sẽ xuất bản trung tuần tháng 4 năm 2024).
Ba tập là ba chặng nối/ gối tiếp nhau trong hành trình cuộc đời của một con người vĩ đại: bắt đầu từ thời thơ ấu cho đến khi quyết định xuất dương tìm đường cứu quốc, tiếp theo là ba mươi năm lênh đênh năm châu bốn biển với một khát vọng khôn nguôi về “hình của nước”.
Năm năm tiếp theo nữa – tính từ ngày 28 tháng 1 năm 1941, khi nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc biên giới Trung – Việt, chạm đất Cao Bằng, đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình – chính là nội dung của truyện kể trong tập 3, “Từ Việt Bắc về Hà Nội”.
Năm năm, nhưng lịch sử của một cá nhân đã gắn chặt, hòa vào và mang tính đại diện vô cùng tiêu biểu cho lịch sử của cả một quốc gia dân tộc trong những thời khắc nghìn năm có một. Vì thế tôi cho rằng, khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ thực sự đã viết về năm năm rất đặc biệt của một sử người tuyệt đẹp.
Tự sự trong tác phẩm “Từ Việt Bắc về Hà Nội” của Nguyễn Thế Kỷ, cũng giống như ở hai tập đầu của bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm”, là tự sự theo lối biên niên sử, tức là tác giả chủ động để truyện kể trôi theo trật tự thời gian tuyến tính.
Về cơ bản, người kể chuyện trong tác phẩm kể lại những biến cố, những sự kiện đã thực sự xảy ra, hoặc những con người, có thật hoặc hư cấu, có những tác động đậm hay nhạt đến tình cảm, suy nghĩ và hành động của nhân vật trung tâm, tức người cộng sản Nguyễn Ái Quốc/ ông Ké/ già Thu/ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để thực hiện được trường thiên tự sự về năm năm đặc biệt này – tính từ thời điểm Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng (sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại) đến khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – tôi, và chúng ta, dễ hình dung rằng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã phải xử lý một khối lượng rất lớn các nguồn tư liệu bề bộn: sử chính thống, chính thức của Đảng và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hồ sơ của chính quyền Tưởng Giới Thạch và Đảng cộng sản Trung Quốc; báo cáo của các cố vấn, tùy viên quân sự Hoa Kỳ và Liên Xô có mặt tại Trung Quốc và Việt Nam lúc ấy; các hồi ức, hồi ký, ghi chép của những người cùng thời có liên quan, rồi cả những giai thoại được lưu truyền trôi nổi trong dân gian v.v...
Thật ra đó là việc bắt buộc phải thực hiện một khi người viết đã tự nhiệm đương đầu với thách thức nghệ thuật này. Vấn đề quan trọng là tác giả đã xử lý như thế nào, và hiệu quả của việc xử lý ra sao?
Điểm đầu tiên tôi muốn nói đến, là việc Nguyễn Thế Kỷ đã “bạch hóa” nhiều chi tiết thuộc vào vùng mờ trong sự tri nhận của phần đông công chúng về quãng thời gian năm năm đặc biệt trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ “bạch hóa” mà tôi dùng có thể còn thiếu chính xác, nhưng điều khá phổ biến là, ngoài các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tìm hiểu thực sự thì hầu như độc giả đều chỉ biết một cách đại khái: trong khoảng ấy, Bác Hồ về nước, sống ở Pác Bó, Cao Bằng để lãnh đạo phong trào cách mạng; sau đó trong một chuyến sang Trung Quốc công tác bí mật, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm; rồi Bác lại được chúng thả ra, trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng v.v...
Nhưng với tác phẩm “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, những chỗ mờ hoặc sự thiếu khuyết đã được nhà văn giải quyết, theo cách riêng của văn chương. Ít nhất thì người đọc bình thường cũng biết thêm ra rằng vì lý do gì mà Nguyễn Ái Quốc thực hiện chuyến công tác bí mật bên Trung Quốc, và tại sao, dù không quy được vào bất cứ sai phạm nào, chính quyền Tưởng Giới Thạch vẫn giam giữ và nhùng nhằng đày ải lãnh tụ cách mạng Việt Nam đến hơn một năm mới chịu thả? Hoặc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, được xem như tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng nó lại có tiền thân là những nhóm tự vệ, du kích vô cùng thô sơ mà Bác chính là người trực tiếp chỉ đạo gây dựng từ trước tháng 12 năm 1944. Rồi những nỗ lực của Bác trong việc thiết lập các mối quan hệ với chính quyền Mỹ trên đất Trung Quốc, dẫn đến sự có mặt của những cố vấn quân sự Mỹ tại núi rừng Việt Bắc trước thời điểm nổ ra Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 v.v...
Những chi tiết kiểu ấy đi từ sử vào văn, một mặt, tạo thêm sức mới mẻ hấp dẫn cho truyện kể, nhưng mặt khác, trong những trường hợp nhất định, chúng mang ý nghĩa sự “phản biện ngầm” của tác giả trước những diễn giải lịch sử theo quan điểm đối lập. Ví như vấn đề “khoảng trống quyền lực” xảy ra vào thời điểm đế quốc Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện để từ đó dẫn đến việc bè lũ phản động rêu rao, xuyên tạc lực lượng Việt Minh “nhặt được chính quyền”, chẳng hạn.
Trong tư cách nhà văn, Nguyễn Thế Kỷ không tranh luận về vấn đề này, nhưng tiểu thuyết của ông đã cho thấy rõ ràng: không hề có “chính quyền nhặt được”, mà tất cả đều là kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, của sự phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của tầm nhìn chiến lược viễn kiến và nghệ thuật tận dụng mọi thời cơ... tập trung cao nhất vào hình tượng nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm thứ hai, là sự nỗ lực của Nguyễn Thế Kỷ trong việc “đời thường hóa” những phẩm chất làm nên sự vĩ đại của con người Hồ Chí Minh. Đời thường hóa, theo tôi, không phải là tầm thường hóa nhân vật Hồ Chí Minh, mà là đặt nhân vật Hồ Chí Minh vào một khung khổ không – thời gian phi sử thi, trong những điều kiện của môi trường sống bình thường mà người ta có thể hình dung được một cách không mấy khó khăn, với những quan hệ nhân sinh hoàn toàn mang tính cách đời thường, hàng ngày, để sao cho không cần phải lên gân phóng bút mà nhân vật vẫn thể hiện được tầm vóc vượt ngưỡng của mình.
Đọc bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, mà đây đang nói tập 3, “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, có thể thấy khá rõ điều đó. Trong quan hệ với những người đồng chí cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên..., những người dân bản địa Cao Bằng như ông Máy Lỳ, thầy tào Thình, anh thanh niên Dương Đại Lâm, chị phụ nữ Nông Thị Bảy (Nông Thị Trưng)..., nhân vật Hồ Chí Minh của Nguyễn Thế Kỷ bao giờ cũng thể hiện được những giá trị đạo đức cốt lõi – mà cho đến bây giờ vẫn đang là tâm điểm của phong trào “học tập, làm theo” rộng khắp trên cả nước – như yêu nước, thương dân, tương thân tương ái, đoàn kết đấu tranh, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm v.v...
Thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể, những câu nói nhỏ, nhẹ, mà thấm. Ví như khi vào nhà thầy tào Thình, một gia đình cơ sở cách mạng ở Pác Bó, được chủ nhà mời bát cháo trứng gà, già Thu đã bưng bát cháo mời lại bà cụ mẹ thầy tào đang ngồi sưởi bên bếp: “Đây mới là người cần được bồi dưỡng. Cụ đã sống gần một thế kỷ rồi, chúng ta phải chăm sóc cụ để cụ sống lâu hơn với con cháu, chờ ngày đất nước được độc lập, thái bình chứ”. Hay như, trở lại với một trong những đoạn văn đầu tiên của tiểu thuyết, khi Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí vừa vượt qua cột mốc biên giới Trung – Việt:
“Họ đang ở dưới một tán cây trơ khấc toàn cành, rêu mọc đầy gốc lên đến tận ngọn, nhưng trên đó đang nhú những chồi non và cả những chùm hoa li ti màu đỏ. Sức sống của cây cối luôn thật lạ kỳ. Nguyễn Ái Quốc quay sang Lê Quảng Ba:
_ Cậu là người Cao Bằng nhỉ?
_ Vâng. Tôi người Hà Quảng ạ.
Nguyễn Ái Quốc chỉ vào gốc cây ngay trước mặt hỏi tiếp:
_ Vậy cậu có biết tại sao ở đây rêu lại mọc kín cả thân cây thế kia không?
Lê Quảng Ba hơi lúng túng. Nguyễn Ái Quốc cười:
_ Là do độ ẩm. Rêu mọc ở những nơi có độ ẩm cao. Chỉ nơi nào độ ẩm cao và kéo dài gần như quanh năm thì rêu mới mọc kín cả thân cây như thế.
Im lặng một lúc ông nói tiếp:
_ Kiểu khí hậu này là trời phú. Đất nước mà độc lập thanh bình thì bà con ta tha hồ gieo trồng, chỉ cần chăm chỉ là no đủ”...
Bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân vật Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ cũng trào lên một khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do, hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân.
Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn nhiều trường đoạn nữa, phác lên những phương diện khác đầy thú vị về con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm năm đặc biệt của cuộc đời (1941 – 1945). Chất hài hước chẳng hạn. Hoặc sự khôn khéo mà vô cùng cương quyết trước những đối thủ chính trị. Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây lại là một câu chuyện khác, ngoài văn bản.
Sau khi đọc xong bản thảo tập 3 bộ tiểu thuyết sử thi “Nước non vạn dặm”, tôi chợt nghĩ có thể dự án nghệ thuật này còn tiếp tục, và tôi mong rằng nó sẽ tiếp tục. Bởi ở những chặng sau của cuộc đời Hồ Chí Minh: 1945 – 1946, rồi 1946 – 1954..., trong những tình thế lịch sử khác: khốc liệt, vinh quang, nhưng cũng có khi đầy giằng xé giữa những cuồng phong trái chiều, ấy mới chính là sự thách thức đích thực của nhân vật lịch sử, một vĩ nhân, với những người viết đích thực.
Hoài Nam
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nam-nam-trong-mot-su-nguoi-tuyet-dep-a56031.html