Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội mới đây thông tin, thành phố ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên trong năm 2024. Theo đó, ca mắc rubella vừa phát hiện trên địa bàn thành phố là bé gái 7 tuổi, ở huyện Đan Phượng. Trước đó, bé gái này đã được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin phòng bệnh rubella.
Bệnh rubella phòng tránh như thế nào? Đối tượng nào cần đặc biệt lưu ý? Là những vấn đề người dân đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, BS.Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, rubella là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho, người bệnh là nguồn lây chính.
Biểu hiện của bệnh gồm: Sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chấm sau tai.
Theo bác sĩ Thiệu, bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ do có thể gây sảy thai, thai chết lưu.
Đặc biệt, gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi (bệnh tim, mù, đục thủy tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần), thường gọi là hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng này có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu mang thai.
“Bệnh rubella có tính lây truyền cao và có thể gây thành dịch lớn", bác sĩ Thiệu cảnh báovà khuyến cáo phụ nữ có thai, nhất là trong những tháng đầu nếu bị sốt, phát bancần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus rubella gây ra. Phần lớn bệnh thường ở mức độ nhẹ, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Bệnh gây ra tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bà mẹ cũng như thai nhi nếu bà mẹ nhiễm virus trong thời kỳ mang thai.
Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên.
Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ, như sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng chẩm, sau tai và cổ. Ở người lớn có thể có sưng đau khớp. Tuy nhiên có tới 50% số trường hợp có biểu hiện lâm sàng không điển hình làm cho bệnh nhân dễ lầm tưởng với bệnh khác.
Ngoài ra trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non...
Tiêm vắc-xin rubella là biện pháp hiệu quả nhất để phòng hội chứng rubella bẩm sinh. Phụ nữ cần được tiêm vắc-xin rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất một tháng.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân có sốt, phát ban và trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong những tháng đầu nếu bị sốt, phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tư vấn kịp thời.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/ha-noi-co-ca-mac-rubella-dau-tien-trong-nam-bac-si-canh-bao-a56432.html