Bạch Cốt Tinh của Dương Xuân Hà lại là một trong những nhân vật phản diện ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả Tây du ký.
Nữ diễn viên sinh năm 1943 khắc họa nên một yêu tinh vừa xinh đẹp vừa gian ác, có tài biến hóa khôn lường làm rạn nứt tình thầy trò của Đường Tăng - Tôn Ngộ Không và khiến người xem phải khiếp sợ.
Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi với màn thể hiện này song nghệ sĩ bị khán giả ghét, gặp nhiều phiền phức vì vai diễn. Sau khi phim đóng máy, bà và đạo diễn Dương Khiết không gặp lại nhau.
Theo Sohu, với vị thế diễn viên kịch nổi tiếng, thời điểm đó Dương Xuân Hà muốn được đóng vai nữ vương Nữ Nhi quốc. Nữ đạo diễn Dương Khiết đã hứa để bà thể hiện hai vai. Nhưng sau khi Dương Xuân Hà đóng xong Bạch Cốt Tinh, Dương Khiết lại thông báo Chu Lâm thể hiện vai nữ vương.
Dương Xuân Hà cho rằng đạo diễn Dương Khiết là người không giữ chữ tín. Từ đó, bà không tham gia các buổi gặp mặt kỷ niệm của đoàn phim. Hiện tại, Dương Xuân Hà sống quây quần bên con cháu tại Thượng Hải.
Dương Xuân Hà chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Kinh kịch, Bạch Cốt Tinh là vai diễn truyền hình duy nhất nữ nghệ sĩ gạo cội tham gia.
Tuổi ngoài 80, bà sống kín tiếng, ít xuất hiện trước truyền thông. Trong bức ảnh hiếm hoi được tiết lộ hồi tháng 12/2022, nữ diễn viên xuất hiện với mái tóc bạc trắng, gương mặt hiền hậu, rạng rỡ, bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn.
Tây Du Ký phiên bản 1986 là bộ phim huyền thoại gắn liền với tuổi thơ hàng triệu khán giả khắp châu Á và cả ở Việt Nam. Phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Ngô Thừa Ân.
Nội dung phim kể về một nhà sư thời vua Đường Thái Tông tên Huyền Trang đã trải qua 81 kiếp nạn thử thách để lấy được kinh Phật trở về truyền bá ở quê hương.
Bộ phim gây ấn tượng cho khán giả khi khai thác nội dung đầy tính nhân văn và cài cắm nhiều thông điệp ý nghĩa vào hành trình của thầy trò Đường Tăng.
Ví dụ như khoảnh khắc Ngộ Không bị sư phụ niệm chú trừng phạt vì tội cãi lời thầy, hay Đường Tăng đi ngang vách núi vì lòng từ bi mà ở lại để cứu một con khỉ lông lá biết nói tiếng người,...
Tất cả được ví như bài học về lòng thương người và cách đối nhân xử thế, khán giả hoàn toàn có thể học tập để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Tạo hình của các nhân vật trong phim cũng được đánh giá cao khi không quá lố nhưng vẫn đảm bảo việc giữ nguyên bản sắc của thời đại.
Trong đó, những nhân vật đóng vai trò làm chướng ngại cản trở con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng cũng có tạo hình vô cùng phù hợp.
Đối với tuyến nhân vật yêu quái, nhà sản xuất khéo léo hóa trang gợi cảm giác đáng sợ nhưng vẫn đảm bảo không gây ám ảnh cho khán giả, trẻ em vẫn có thể vô tư xem cùng gia đình.
Có thể nói, tại Việt Nam và các nước châu Á, Tây Du Ký 1986 là món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả, nhất là vào dịp Hè. Bằng chứng là người người nhà nhà đều xem Tây Du Ký.
Có những lúc, mỗi khi tiếng nhạc Tây Du Ký vang lên, trẻ em khắp nơi quây quần với nhau vừa xem phim, vừa cười nói vui vẻ. Như vậy, Tây Du Ký 1986 còn nắm vai trò gắn kết xã hội.
Quốc Tiệp (T/h theo Thanh Niên, Saostar)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/yeu-tinh-ac-nhat-tay-du-ky-cuoc-song-ve-gia-kin-tieng-it-xuat-hien-a57084.html