Xu thế tất yếu
Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ đã từng bước được đưa vào ứng dụng bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá đến muôn nơi.
Sự thành công của nhiều di tích văn hóa, lịch sử khi làm “sống lại” và tăng thêm giá trị cho di sản, nhất là các khâu giới thiệu, quảng bá, quản lý du lịch bằng việc triển khai các giải pháp công nghệ đã minh chứng rõ nét cho xu hướng này.
Đơn cử, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có ứng dụng công nghệ số cho trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai tour 3D “Chiến thắng Hà Nội 12 ngày đêm”. Di tích Nhà tù Hỏa Lò có kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt sản phẩm tour tham quan trực tuyến 3D. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng giới thiệu tour tham quan 360 độ. Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tour đêm “Tinh hoa đạo học”, ứng dụng công nghệ trình chiếu ánh sáng dẫn dắt người xem hòa mình vào không gian lung linh, ấn tượng, đặc sắc.
Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều điểm đến di sản đã liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số như hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích; công nghệ thuyết minh tự động (audio guide); công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú, tò mò, các điểm di sản ngày càng tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nhất là người trẻ, du khách nước ngoài.
Ở các tỉnh, thành trên cả nước, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản nói riêng và toàn ngành văn hoá nói chung cũng diễn ra chủ động, sáng tạo, tuỳ vào thế mạnh mỗi địa phương.
Đối với quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, đây là một trong số ít các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên, là không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật gắn liền với ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Do đó, việc tìm ra các giải pháp, ý tưởng để phát huy giá trị to lớn của di tích lịch sử này càng có ý nghĩa quan trọng.
Tính khả thi tại di tích chiến trường Điện Biên Phủ
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết ngoài việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên còn đặc biệt chú ý tới việc đổi mới phương pháp trưng bày tại các điểm di tích để thấy được tính nghệ thuật, sự phong phú, hấp dẫn của các hiện vật và làm sống lại cuộc kháng chiến trường kỳ sau hơn nửa thế kỷ. Cùng với các nội dung trên là việc đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các diểm di tích, đây là việc được làm thường xuyên và hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, về ứng dụng các giải pháp công nghệ, ông Đạo cho biết hiện mới chỉ dừng lại ở việc bổ sung số hóa nội dung thuyết minh tại các điểm di tích, triển khai lắp đặt hệ thống truy cập Internet không dây (wifi). Hiện nay, ngành văn hóa đang nghiên cứu để sớm triển khai phần mềm thuyết minh tự động bằng 5 ngôn ngữ, xây dựng hệ thống chiếu sáng nghệ thuật tại đồi A, đồi A1.
Đối với tính trải nghiệm của du khách, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên cho biết các hình thức biểu đạt chủ yếu tồn tại thông qua hoạt động tuyên truyền, song với hình thức này thật khó tạo ra tính phong phú trong nội dung được giới thiệu và sự ấn tượng, hấp dẫn đối với du khách.
“Gần đây, các điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ mới tổ chức hoạt động trải nghiệm như xe đạp thồ, bữa ăn chiến sĩ… nhưng chủ yếu dành cho học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử chứ chưa thực hiện để tăng trải nghiệm cho du khách... Các khía cạnh khác về chiến tranh cần được quan tâm đầu tư nghiên cứu nhiều hơn”, ông Nguyễn Anh Đạo cho biết đồng thời cho biết việc triển khai các ý tưởng mới đang bị vướng bởi vấn đề nguồn lực thực hiện, quy trình xét duyệt và những lo lắng về bảo vệ tính nguyên bản của hệ thống di tích.
Về triển vọng làm tăng thêm giá trị cho di tích chiến trường Điện Biên Phủ bằng công nghệ số, nhiều đơn vị có kinh nghiệm cung cấp các giải pháp công nghệ tại các di tích lịch sử, văn hóa đều cho rằng đây là phương án rất khả thi và là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Ông Trịnh Công Quang – Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số VR360 cho biết di tích chiến trường Điện Biên Phủ chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử đã đi vào huyền thoại, hệ thống đa dạng các di tích, nằm trên một diện tích tương đối lớn, do đó việc triển khai các yếu tố công nghệ trong việc quảng bá, phát huy giá trị di sản hoàn toàn có thể triển khai thành công. Điển hình, như việc có thể triển khai trình diễn ánh sáng nghệ thuật, kết hợp với âm nhạc, xây dựng hoạt cảnh tái hiện khung cảnh chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ,…
Trong giai đoạn tới, với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên dựa trên 3 trụ cột với trung tâm là du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa, hy vọng rằng sẽ có thêm các giải pháp công nghệ và ý tưởng mới được ứng dụng tại quần thể di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ để không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà còn phát huy những giá trị vượt thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút khách du lịch về với mảnh đất lịch sử này.
Mạnh Quốc - Ngọc Tân
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/lam-song-lai-di-tich-bang-cong-nghe-so-a57272.html