Kiếm hiệp Kim Dung: Môn võ công không nên xuất hiện trên giang hồ

Sự xuất hiện của Cửu âm chân kinh đã khuấy đảo giang hồ, làm vô số cao thủ, bang phái lao vào tranh đoạt, gây ra vô số tổn thất và chết chóc.

Trong thế giới kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, những môn võ công cao cường không chỉ là biểu hiện của sức mạnh và sự uyên bác, mà còn là nguồn gốc của vô số tai họa và bi kịch. Trong số đó, không thể không kể đến Cửu âm chân kinh - một bộ võ công đã gieo rắc mầm hận thù và chết chóc từ lúc xuất hiện.

Ra đời từ thù hận và lưu lạc giang hồ

Trong bộ truyện Anh hùng xạ điêu qua lời kể của Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông cho Quách Tĩnh, thì người viết nên Cửu âm chân kinh là Hoàng Thường mà nguyên nhân sâu xa là từ những thù oán của Hoàng Thường với giới võ lâm.

Hoàng Thường vốn là một quan văn thời Tống. Nhờ trí thông minh và kiên trì, ông đã học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia và trở thành một cao thủ võ lâm. Sau đó, theo lệnh của hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đến tiêu diệt Minh Giáo, do lính triều đình quá kém cỏi nên quân của Hoàng Thường bị đại bại, nhưng ông cũng giết được một vài cao thủ của Minh Giáo. Sau đó, các cao thủ đã kéo đến sát hại cả nhà của Hoàng Thường, chỉ một mình ông thoát nạn chạy lên núi ẩn náu, luyện võ để trả thù.

Sau một thời gian dài tu luyện và ngộ được đạo lý võ học, Hoàng Thường xuống núi với ý định trả thù nhưng ông nhận ra tất cả các đối thủ đều đã chết hết, thậm chí con cái đối thủ cũng đã già nua, Hoàng Thường hết ý định trả thù, nhưng tiếc những kiến thức võ học Đạo gia mà mình học được nên viết thành bộ Cửu âm chân kinh gồm 2 quyển thượng và hạ.

Văn hoá - Kiếm hiệp Kim Dung: Môn võ công không nên xuất hiện trên giang hồ

Vương Trùng Dương là người đã đoạt được bộ Cửu âm chân kinh. 

Môn võ công mang tai họa cho giang hồ

Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu âm chân kinh lưu lạc trong nhân gian khiến giới võ lâm tranh đoạt và gây ra sự chém giết để giành lấy bí kíp này. Vô số cao thủ, bang phái bị cuốn vào vòng tranh đoạt. Cuộc tranh đoạt này không chỉ gây ra nhiều mất mát về sinh mạng mà còn làm suy yếu thực lực của võ lâm Trung Nguyên.

Để chấm dứt tranh đoạt, các cao thủ quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn, tranh tài để tìm ra người mạnh nhất. Người chiến thắng sẽ được giữ Cửu âm chân kinh, với hy vọng kẻ khác không dám cướp bí kíp từ tay người mạnh nhất võ lâm.

Tuy nhiên, ngay cả khi Vương Trùng Dương khi trở thành người mạnh nhất, được giữ bộ Cửu âm chân kinh giang hồ đã yên ổn được mấy năm. Nhưng thực tế sau khi ông mất, bộ võ công này lại một lần nữa khiến cho giới võ lâm trở nên hỗn loạn hơn với các cuộc tranh đoạt ngầm đầy mưu mô xảo quyệt.

Có thể thấy, Cửu Âm Chân Kinh đã trở thành một nguồn gốc của nhiều thảm họa và bi kịch trên võ lâm. Chính vì vậy, ngay từ đầu môn võ công như Cửu âm chân kinh không nên xuất hiện trên giang hồ, để tránh những bi kịch không đáng có và giữ gìn bình yên của võ lâm.

*Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.

Quốc Tiệp

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/kiem-hiep-kim-dung-mon-vo-cong-khong-nen-xuat-hien-tren-giang-ho-a57329.html