Nhà sản xuất Janet Ngô: "Chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của họ tốt nhất"

Janet Ngô là người gốc Việt, lớn lên ở Úc. Chị trở về nước theo tiếng gọi thôi thúc từ niềm đam mê văn hóa, lịch sử dân tộc.

Trong những lần chia sẻ trước đó, Janet Ngô nhiều lần nhấn mạnh: “Chỉ chung tay, chúng ta mới đủ sức làm sống dậy lịch sử văn hoá Việt Nam. Đây là một hành trình dài thay đổi sự tiếp nhận lịch sử của người Việt, nên thái độ tiếp cận của cả khán giả và những người làm văn hoá đều rất quan trọng".

Trong buổi trò chuyện cùng Người Đưa Tin, Nhà sản xuất Janet Ngô bày tỏ quan điểm lớn về niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, là cách nhìn thẳng, trực diện vào vấn đề làm văn hóa thu lợi nhuận nổi lên như một trào lưu.

Mối lương duyên tuyệt vời và dự án có tên Trưng Vương

PV: Tại sao Janet Ngô lựa chọn việc từ bỏ một cuộc sống “ổn định" ở nước ngoài để trở về Việt Nam?

Janet Ngô: Ở mỗi nơi, trong hay ngoài nước đều sẽ có những khó khăn riêng về mặt địa lý. Ngoài ra, trên con đường của mỗi người, ai cũng sẽ đối mặt với những cái khó của riêng họ, câu hỏi đặt ra là họ có thể chịu được cái khó đó hay không? Riêng bản thân tôi thì lúc ở nước ngoài không được như mong muốn nên tôi thường xuyên đi đi về về Việt Nam.

Thực chất, trước đó tôi không muốn về hẳn Việt Nam làm việc vì môi trường xung quanh nói ra nói vô, sợ tính cách không phù hợp. Nhưng khi thấy được thông tin dự án Trưng Vương thì mọi thứ được thay đổi, như “sét đánh" vậy (cười).

PV: Cơ duyên nào giúp chị nảy sinh ý tưởng về dự án có tên Trưng Vương “giữa dòng đời tấp nập" như vậy?

Janet Ngô: Tôi nghĩ đây là một mối lương duyên tuyệt vời, như định mệnh chẳng hạn, tôi được sinh ra ở Bệnh viện Trưng Vương. Lớn lên một chút, tôi được biết là gia đình bên mẹ của tôi đi học ở trường Trưng Vương.

Bản chất của tôi cũng đam mê nghệ thuật từ nhỏ, cũng thích diễn vài vai rồi, tôi còn nhớ mình đi casting để đóng vai ông già và tôi được chọn dù là nữ (cười). Sau đó, tôi lại phát triển theo hướng mà gia đình mong muốn nhiều hơn, vẫn luôn quan niệm là nên làm việc gì đó mang tính ổn định, còn nghệ thuật thì để sang một bên. Nên tôi đã đi làm kinh tế và luật, nhưng càng làm tôi càng thấy đó không phải là mình.

Tôi theo đuổi nghệ thuật, vô tình qua vòng tròn bạn bè, cứ giới thiệu lẫn nhau, cứ thế rồi làm dự án Trưng Vương. Tôi còn nhớ, lúc đó mình đứng ở đền thờ Trưng Vương và nói rằng câu chuyện này hay lắm nhưng chắc phải 50 năm nữa mới làm được. Chỉ vô tình nói thôi, nhưng họ bảo hay bây giờ hỗ trợ làm teaser trailer. Tôi chỉ nghĩ sẽ hỗ trợ bạn một phần về tài chính và sản xuất thôi, một phần vì quý bạn và hơn hết là mình cũng thích dự án này.Dần dần, định mệnh thế nào tôi lại là người làm chính luôn.

PV: Chị đã bắt tay vào dự án này với tâm thế ra sao?

Janet Ngô: Từ đầu tôi đã nghiêm túc với dự án rồi nên mới trở thành người làm chính. Đối với tôi đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Nó là dự án phải đi tìm hiểu sâu, nghiên cứu nhiều, lập ra kế hoạch lâu dài và bền vững cho văn hoá và con người việt nam.

Từ lúc bắt đầu tôi đã rất nghiêm túc, có lẽ tính tôi là như vậy và luôn nghĩ làm sao để có thể làm nó trọn vẹn hết sức.

PV: Trong quá trình thực hiện dự án, khó tránh khỏi những lúc khó khăn thì chị đã làm gì để giữ vững cảm xúc ban đầu?

Janet Ngô: Đam mê thật sự. Nếu có một niềm đam mê đủ lớn thì khó khăn cỡ nào cũng có thể vượt qua. Trong một vài thời điểm, cũng muốn buông bỏ chứ không phải không nhưng khi chỉ vừa chớm nở suy nghĩ thì trong mình sẽ có cái gì đó rất khó chịu, và thôi, mình lại quyết tâm làm tiếp thôi (cười).

Hơn thế nữa là những đồng nghiệp, cộng sự tốt, họ sẵn sàng đỡ mình khi mình muốn ngã. Không đao to búa lớn, nhưng tôi có mong muốn làm sao để việc tiếp cận lịch sử của người Việt trở nên tốt hơn, thật sự yêu văn hoá lịch sử dân tộc ngày càng nhiều hơn.

Giải trí - Nhà sản xuất Janet Ngô: 'Chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của họ tốt nhất'

Nhà sản xuất Janet Ngô.

 “Tiếp cận lịch sử bằng tư duy và dòng đời của một anh hùng”

PV: Lịch sử thường được nghĩ đến là khô khan cứng nhắc, vậy chị đã nuôi dưỡng tình yêu lịch sử trong mình thế nào?

Janet Ngô: Đối với tôi lịch sử không khô khan và cứng nhắc. Thứ nhất, nó tạo cho mình cảm giác có thể trở về khám phá và học hỏi được nhiều điều trong quá khứ để làm tốt hơn trong tương lai. Thứ hai, phân tích và hiểu biết mang lại rất nhiều cái lợi cho mình.

Tôi được tiếp xúc với nhiều người, và cách họ truyền tải ở đây là ngày tháng năm diễn ra sự kiện gì. Nếu tôi học như vậy thì cũng sẽ thấy nản lắm. Tôi may mắn là không nằm trong khuôn khổ đó, tôi có thể hiểu và thấy lịch sử hấp dẫn ở đâu. Khi tôi mang điều đó về và áp dụng vào Lịch sử Việt Nam thì càng hấp dẫn hơn, càng tìm tòi, đào sâu càng thấy nhiều cái mới thú vị.

PV: Chị đã tiếp cận lịch sử bằng cách nào?

Janet Ngô: Tôi đã tiếp cận lịch sử bằng tư duy và dòng đời của một anh hùng. Nói chung về các vị anh hùng của lịch sử Việt Nam và Hai Bà Trưng nói riêng thì tôi từng chia sẻ trong một hội thảo rằng: “Trước khi làm anh hùng, họ cũng là người thường như mình thôi". Tôi thấy thú vị khi tìm hiểu dòng đời của họ đã diễn ra thế nào.

Về quy mô lịch sử và định nghĩa lịch sử như thế nào cũng rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta định nghĩa khăng khăng rằng nó đúng và sai thì chắc chắn đó chưa bao giờ là lịch sử cả.

Người ghi chép lịch sử - bản thân họ cũng sẽ có phần ghi chép theo quan điểm của họ, cách họ tiếp cận với thời đại ra sao. Do đó, muốn tăng độ chính xác ta cần tìm hiểu lịch sử bằng tư duy và quan niệm mở. Từ đó, mình có thể hiểu hơn xã hội và cách phát triển của con người, đặc biệt là một quốc gia hay dân tộc nào đó.

PV: Dự án Trưng Vương là dự án phức hợp (hoạt hình, âm nhạc,...), vậy loại hình nào theo chị là khó thực hiện nhất?

Janet Ngô: Bởi vì là một dự án phức hợp nên tôi sẽ ít khi tách ra cái nào khó cái nào dễ. Nó là tổng hệ thống, mọi người sẽ nói cái phim này khó nhất, nhưng đối với tôi việc làm cái phim không phải là khó. Việc tạo ra nền tảng tạo ra phim mới là vấn đề. Chứ thực chất làm phim rất là vui, đó là một tập thể hợp tác với nhau rất kĩ và tốt.

Trong một hội thảo, tôi cũng ngạc nhiên khi trước giờ tôi chia sẻ các kế hoạch mình vạch ra thì cảm giác mình đang cô đơn vì không ai hiểu. Nhưng tới lúc bắt tay vào thực hiện dự án thì mọi người cùng nhau bắt tay vào làm. Tôi cảm giác là có một công tắc gì đó vừa được khởi động (cười).

Giải trí - Nhà sản xuất Janet Ngô: 'Chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của họ tốt nhất' (Hình 2).

Nhà sản xuất Janet Ngô.

“Với những người làm văn hóa, đó là một công trình dài”

PV: Chị nhận xét thế nào về đội ngũ GenZ khi gia nhập vào quá trình làm phim?

Janet Ngô: Mỗi thế hệ sẽ có đặc tính riêng của họ nhưng đặc tính riêng đó cũng phụ thuộc vào thế hệ trước ảnh hưởng vào và áp đặt xuống. 

Mặt bằng chung, tôi thấy nhân sự GenZ có sự nhạy bén trong công nghệ thông tin, được tiếp cận về nhiều thông tin mà trước đây thế hệ trước sẽ không có cơ hội, có khả năng thích ứng nhanh hơn nhưng về vấn đề đi sâu hẳn để nghiên cứu thì họ ít muốn. Đây cũng chỉ là nhận xét chung chứ không thể hoàn toàn đánh đồng tất cả GenZ là như vậy.

Còn những người hoạt động trong nghệ thuật thì họ gặp những rào cản trước đây do các thế hệ trước tạo ra. Họ sẽ cố gắng làm sao để chứng minh bản thân họ mà quên mất cần phối hợp với tập thể như thế nào.

GenZ đang ao ước được chia sẻ cái hiểu biết của mình nhưng tôi khuyên là cần lắng nghe trước. Lắng nghe để hiểu mình ở đâu, ở trong môi trường thế nào, đừng để môi trường ảnh hưởng đến mình, tác động đến đam mê của mình.

Việc lắng nghe cũng không chỉ dành riêng cho GenZ mà là cho tất cả, vì thật sự để cùng nhau tiến bộ thì cần lắng nghe để hiểu nhau. 

PV: Chị nghĩ như thế nào về việc tiếp cận các lĩnh vực liên quan đến lịch sử của người trẻ?

Janet Ngô: Khi tôi vừa về Việt Nam để hoạt động, tôi cũng cảm thấy các hoạt động về lịch sử không được người trẻ chú trọng. 

Tôi sợ mọi người “đu trend” để lấy văn hóa ra làm lợi nhuận chứ không thực sự nghiêm túc xây dựng văn hóa tốt hơn.

PV: Việc lấy văn hóa để làm lợi nhuận có ảnh hưởng trực tiếp đến những người nghiên cứu văn hóa nghiêm túc như chị?

Janet Ngô: Có chứ! Với những người làm văn hóa, đó là một công trình dài. Cái gì làm nghiêm túc thì không phải một hai ngày sẽ có thành quả. Khi mà họ đã tốn công thì họ không đủ thời gian để rầm rộ lên để thu hút những nhà đầu tư, nghệ sĩ khác. Ngược lại, những người tập trung vào lợi nhuận sẽ làm rầm rộ những thứ ngoài lề, nhưng thành phẩm chưa chắc “ra ngô ra khoai”. Điều này làm cho mọi người bị mất niềm tin, đến khi gặp được những người làm công trình nghiêm túc thì ít nhiều có ác cảm.

PV: Về lĩnh vực văn hóa lịch sử, vốn đầu tư có phải là điều quan trọng nhất?

Janet Ngô: Thực tế làm phim hay bất kỳ một lĩnh vực nào thì có đầu tư cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nó không phải là cái để mọi người ỷ lại để chờ người khác đầu tư vào. Có nhiều cách khác nhau để tạo ra nguồn tài chính, đầu óc sáng tạo của mọi người cũng là một cách, bản thân nhà đầu tư cũng muốn đầu tư vào những công trình nghiêm túc nên mình cần tập trung vào cái mình đang làm để họ cảm thấy có đáng đầu tư hay không.

PV:Nhiều khán giả có cái nhìn không tốt về phim Việt do xuất hiện nhiều dự án đầu voi đuôi chuột, chị nghĩ sao nếu phim mình cũng bị đánh đồng?

Janet Ngô: Chắc chắn tôi không muốn thấy người Việt Nam không yêu lịch sử của mình. Trước những tác phẩm không tốt tôi không muốn bị ảnh hưởng, và luôn giữ vững sự nghiêm túc dành cho tác phẩm của riêng mình. Chắc chắn việc làm mất lòng tin ở khán giả khiến những nhà sản xuất buồn lòng bởi việc khơi dậy lòng tin là rất khó.

Cái khó khăn là mỗi ngày phải đối mặt với nhiều câu hỏi được đặt ra từ mọi người “Khi nào phim ra? Khi nào phim có doanh thu? Tại sao không dùng tên tuổi để thu hút sự chú ý?...”. Và nhiều lúc tôi cũng phải nghiền ngẫm lại và trả lời “Vậy khi nào mọi người sẵn sàng chào đón phim?”

PV: Chị nghĩ sao về việc tham gia của ekip nước ngoài vào các dòng phim lịch sử nước ta?

Janet Ngô: Tiêu chuẩn hiện tại là phải có cái cốt lõi Việt Nam, việc nước ngoài tham gia hay không thì tài nguyên vẫn luôn có khắp mọi nơi. Nhưng lý do lớn nhất chính là tự hào dân tộc. Tôi đã từng tiếp xúc và gặp một số người hỏi tại sao cái này không làm bên Ấn Độ, Trung Quốc,... vì bên đó đã có phim trường sẵn rồi. Tôi nói nếu làm như thế thì thôi, còn gì là niềm tự hào dân tộc. Còn gì là phim Việt Nam về người hùng Việt Nam?

Về những dòng phim khác thì không quan trọng nhưng phim về Việt Nam thì nó phải được làm ở Việt Nam và chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của mình một cách tốt nhất mà thôi. Kể cả có đạo diễn hay ekip nước ngoài thì cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để truyền tải thông điệp và cốt lõi của dự án này. 

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Giải trí - Nhà sản xuất Janet Ngô: 'Chỉ có người Việt mới hiểu lịch sử của họ tốt nhất' (Hình 3).

Nhà sản xuất Janet Ngô.

Janet Ngô trở thành Giám đốc She-Kings và được biết đến với vai trò là nhà sản xuất (NSX) của dự án phim huyền sử She-Kings - một dự án đã có hai bản nhạc phim lọt vào bảng xếp hạng Adult Contemporary Indicator (thuộc hệ thống xếp hạng Billboard): "Còn gì để mất" (I’ll give my Soul) xếp vị trí 21 và "Lần cuối" (Dear Girl) xếp hạng 18.

Dự án She-Kings xoay quanh nhân vật trung tâm là Hai Bà Trưng được chị tiết lộ sẽ thực hiện trên nhiều chất liệu.

 

 

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/nha-san-xuat-janet-ngo-chi-co-nguoi-viet-moi-hieu-lich-su-cua-ho-tot-nhat-a57495.html