Nguyễn Thị N. (SN 1995, Hải Dương) kết hôn năm 19 tuổi nhưng không đặt nặng chuyện sinh con sớm. Sau vài năm kết hôn, không có dấu hiệu mang thai hai vợ chồng chị N. lo lắng, sốt ruột.
Thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng chị N. đã bất ngờ khi biết mình sẽ không thể có con nếu không can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro-TESE) kết hợp với Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Chính biến chứng teo tinh hoàn của căn bệnh quai bị dẫn đến vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch) đã đánh mất khả năng có thai tự nhiên của vợ chồng chị N.
Vì vậy, bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE để tìm tinh trùng cho người chồng, sau đó tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ để tạo phôi.
Ths.BS Đinh Hữu Việt-Trưởng khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: Phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro-TESE được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, mang lại hiệu quả điều trị cao cho các trường hợp vô tinh.
Với kỹ thuật này cho phép can thiệp vào mô tinh hoàn để tìm những ống sinh tinh có chứa tinh trùng thông qua kính vi phẫu có độ phóng đại lớn. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ, việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ; đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục con vừa đủ để làm thụ tinh ống nghiệm.
Khi đã đủ phôi, những tưởng mọi việc đã “xuôi chèo mát mái”, nhưng đến khi chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi thì bác sĩ siêu âm phát hiện những chùm polyp có thể cản trở quá trình đậu thai, bác sĩ chỉ định bệnh nhân N. nội soi thăm dò buồng tử cung kết hợp cắt bỏ polyp, hạn chế tối đa chảy máu.
Tuy nhiên, do cơ địa nhanh hình thành polyp, buộc các bác sĩ theo dõi chặt chẽ và xác định thời điểm chuyển phôi phù hợp trước khi polyp mới mọc lên.
Vượt qua những đợt điều trị vất vả, vợ chồng chị N. đã thành công đón bé gái đầu lòng vào tháng 4/2020.
Tháng 7/2022, khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, hai vợ chồng chị N. quyết định tiếp tục chuyển phôi trữ để sinh thêm con. Tuy nhiên, lúc này chị N. được bác sĩ thông báo "niêm mạc tử cung bị quá sản toàn bộ, polyp dày đặc buồng tử cung, tình trạng còn nhiều hơn cả lần đầu chuyển phôi".
Cuộc chiến với polyp buồng tử cung một lần nữa lại bắt đầu với gia đình chị N.. Lần này, chị được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc và thực hiện mổ nội soi buồng tử cung ngay trong chu kỳ để loại bỏ các chùm polyp trước khi thực hiện chuyển phôi.
May mắn, cuộc phẫu thuật nội soi thành công tốt đẹp và lần chuyển phôi này chị N. đậu song thai. Quá trình thai sản "thuận buồm, xuôi gió", tổ ấm nhỏ giờ đây có thêm hai thành viên mới.
Ths.BS Trịnh Thị Thuý- Phó Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết thêm, Polyp buồng tử cung chiếm khoảng 10 - 15% nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới và phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán kịp thời các bệnh lý buồng tử cung.
Đồng thời, hỗ trợ điều trị xử lý các tổn thương một cách tốt nhất, giúp tăng tỉ lệ có thai tự nhiên cũng như tăng hiệu quả chuyển phôi thành công ở các cặp vợ chồng can thiệp hỗ trợ sinh sản.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/bat-ngo-voi-nguyen-nhan-hiem-muon-cua-cap-vo-chong-tre-a57560.html