Vụ
Có hơn 500 bệnh nhân đã vào bệnh viện theo dõi, điều trị sau khi ăn bánh mì Cô Băng ở TP Long Khánh, Đồng Nai - Ảnh: A.B.
Một lãnh đạo UBND TP Long Khánh cho biết thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã tăng cường rà soát, kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… nhằm phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong đó, các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố có quản lý. Còn lại những điểm bán thức ăn đường phố không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, những cơ sở này đa số là nhỏ lẻ được quận, huyện quản lý nên hoàn toàn trông chờ vào quản lý, thanh tra, kiểm tra.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đặc thù của thức ăn đường phố rất đáng lo vì đây là những hàng quán di động, khó đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cao dính bụi bặm, côn trùng xâm nhập.
Do vậy các địa phương cần phải tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu…
Tại thành phố về lâu dài sẽ chuẩn bị tuyến phố tập trung thức ăn đường phố để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5), Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 11 đoàn kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố với số lượng cơ sở dự kiến kiểm tra 2.366 cơ sở.
Bác sĩ Trương Thị Minh Hiền - khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất các chất dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh, thậm chí có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.
Đáng nói, nhiệt độ từ 37 - 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường. Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người dùng vẫn có nguy cơ ngộ độc.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế ăn thức ăn đường phố. Nếu sử dụng phải lựa chọn cơ sở uy tín, có người bán hàng đeo khẩu trang, bao tay, có tủ kiếng, nắp đậy để tránh côn trùng...
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mua-nang-nong-kiem-soat-thuc-an-duong-pho-the-nao-de-ngan-ngo-doc-thuc-pham-a57953.html