*Dưới đây là chia sẻ của Rachel Morgan Cautero - BTV Tài chính đến từ The Business Insider. Nghĩ lại thời thơ ấu của mình, sau đó soi chiếu thói quen chi tiêu và tiết kiệm của bản thân ở hiện tại, Rachel nhận ra bố mẹ là người có tác động rất lớn tới cách cô chi tiền. Trong bài viết này, Rachel kể về những bài học mà cô đã học được từ bố mẹ trong việc chi tiêu, tiết kiệm.
Thuở bé, giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi không để ý đến tình trạng kinh tế của gia đình mình. Bố mẹ tôi không thường nói với chúng tôi những câu tiêu cực như “chúng ta rất nghèo” hay “bố mẹ không có tiền” nhưng đồng thời, họ cũng không nói hay làm bất kỳ điều gì khiến tôi tin rằng gia đình mình rất giàu có.
Tôi cứ thế mà lớn lên trong sự vừa đủ. Nhưng mãi sau này, khi đã trưởng thành và có gia đình nhỏ của riêng mình, tôi mới nhận ra bố mẹ đã vô tình giúp tôi hình thành một thói quen tiết kiệm “để đời”, chỉ bằng cách họ đối xử với những vật vô tri vô giác trong nhà.
Đồ còn dùng được thì không thay mới
Nhà tôi có một cái thùng rác, tính đến nay, cũng đã được hơn 20 năm tuổi. Nhưng đó vẫn chưa phải là món đồ có tuổi thọ cao nhất. “Già” hơn cả vẫn là cái nồi cơm, chừng khoảng 30 tuổi.
Chiếc thùng rác xanh (góc phải - phía trên) có tuổi đời còn lớn hơn cả tuổi của Rachel
Kể từ khi tôi có ý thức, nhớ được mọi sự quanh mình, cái thùng rác và chiếc nồi cơm ấy đã cùng tôi lớn lên. Tới tận bây giờ, bố mẹ tôi vẫn dùng cái thùng rác và chiếc nồi cơm ấy. Nhiều khi tôi cũng thắc mắc sao bố mẹ không thay chúng bằng những món đồ mới, hiện đại hơn.
“Có hỏng hóc gì đâu mà phải mua cái mới?” là điều mẹ đã nói với tôi khi tôi ôm một cái thùng rác mới có chế độ đóng miệng túi rác tự động về nhà.
Đến tận lúc đó tôi mới hiểu cách tiết kiệm của bố mẹ mình. Không có gì cao siêu, chỉ đơn giản là đồ còn dùng được thì không thay mới, bất chấp những sản phẩm thay thế có hiện đại hay tiện lợi đến đâu. Vì càng hiện đại, càng tiện lợi thì càng tốn tiền.
Sau này khi đã lập gia đình và ra ở riêng, tôi càng thấm thía rằng thói quen dùng đồ cũ để tiết kiệm tiền của mình là điều “được di truyền” từ bố mẹ.
Ảnh minh họa
Chúng tôi thuê một căn hộ đã được trang bị sẵn máy giặt và máy sấy quần áo. Mặc dù không thực sự thích vì chúng khá cũ rồi, tôi vẫn quyết định sẽ không chi mấy ngàn đô để mua đồ mới thay thế. Tôi coi những thứ có sẵn trong căn hộ mình thuê là hàng tặng kèm miễn phí.
Ở căn hộ đó được vài năm, tôi bắt đầu nảy sinh mong muốn sẽ thay lại toàn bộ giấy dán tường. Nhưng sau khi nghĩ kỹ, tôi quyết định không thay gì cả. Giấy dán tường hiện tại vẫn tốt, tôi muốn thay mới chỉ đơn giản vì chúng đã lỗi thời. Điều đó thật lãng phí.
Hẳn sẽ có người nghĩ tôi là kẻ bủn xỉn. Đôi khi tôi cũng cảm thấy mình hơi khắt khe quá trong việc chi tiền. Nhưng chính nhờ thói quen không mua đồ mới khi đồ cũ vẫn còn đang sử dụng được, tôi đã tiết kiệm được cả chục ngàn đô. Dù là máy giặt, máy sấy, giấy dán tường hay ô tô, máy tính, điện thoại,... miễn là chúng còn dùng được, tôi sẽ không chi tiền thay mới.
Bố mẹ còn dạy tôi thái độ trân trọng, biết ơn những món đồ mình đang có
Khi đã hiểu được cách tiết kiệm tiền hiệu quả mà bố mẹ đã “truyền lại” cho mình, tôi mới nhận ra họ còn dạy tôi một bài học khác: Luôn trân trọng những món đồ bản thân đang có.
Bố mẹ dạy tôi cách gìn giữ, bảo vệ đồ đạc của mình, từ những món đồ nhỏ như quần áo, đồ chơi; tới những món đồ giá trị hơn như máy đọc sách, laptop, điện thoại,... Hồi ấy, giống như mọi đứa trẻ khác, tôi cảm thấy khó chịu vô cùng vì bố mẹ chẳng mấy khi mua đồ mới cho mình, trong khi chúng bạn thì năm nào cũng được thay cặp sách và mua giày mới.
Ảnh minh họa
Sau này, khi đã làm mẹ, tôi mới biết ơn những gì bố mẹ đã dạy mình. Hiện tại, tôi cũng đang dạy con hệt như những gì bố mẹ đã dạy tôi. Khác biệt duy nhất là tôi luôn giải thích với con rằng khi không thay mới chiếc cặp sách vẫn đang còn dùng tốt, chúng ta sẽ có tiền để mua thêm sách và tiểu thuyết hoặc những món đồ có ích hơn.
Nói cách khác, tôi sẽ cho tụi trẻ lựa chọn: Hoặc là thay mới một món đồ chúng đã chán (nhưng vẫn dùng tốt), hoặc là không có những buổi dạo chơi mua sách mỗi cuối tuần. Đó là cách tôi dạy cho con mình hiểu được giá trị của việc tôn trọng những món đồ vẫn còn có thể sử dụng.
Và tôi tin rằng sau này, khi đã trưởng thành, chúng sẽ cảm thấy điều tôi đang dạy chúng là đúng đắn và có ích như thế nào, bất chấp hiện tại, chúng có thể cảm thấy khó chịu ít nhiều.
Theo BI