Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đăng đơn thuốc của cụ bà 79 tuổi, chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy hại

PGS Hiếu khuyến cáo thuốc bổ được kê nhiều hơn thuốc điều trị có thể vô tình gây hại cho người bệnh.

Dưới đây là bài chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương về một đơn thuốc có rất nhiều loại thuốc bổ:

"Tôi gặp một cụ bà gần 80 tuổi cầm trên tay đơn thuốc với chẩn đoán "Cơn sụp đổ". Xin khoan bàn về việc chẩn đoán vì đây chỉ là một triệu chứng của hội chứng hiếm gặp trên lâm sàng: hội chứng "cướp" máu động mạch dưới đòn. Để xác định bệnh nguyên, bác sĩ cần thực hiện nhiều biện pháp thăm dò phức tạp như siêu âm Doppler màu, chụp CT Scanner đa dãy, thậm chí có khi còn cần thông tim và chụp buồng tim. Tôi chỉ xin bàn về thuốc bổ được kê trong đơn".

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cho biết, vấn đề ở đây là trong đơn thuốc của cụ bà có 4 loại thuốc bổ khác nhau, dành cho nhiều bộ phận của cơ thể: Bổ gan, bổ thần kinh, bổ sung khoáng chất...

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu cũng chỉ ra rằng hiện nay nhiều người vẫn có quan niệm 'uống thuốc bổ là không nguy hại', thế nhưng thực tế dùng quá nhiều thuốc bổ cũng sẽ gây hại cho người bệnh.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đăng đơn thuốc của cụ bà 79 tuổi, chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy hại- Ảnh 1.

Đơn thuốc với 4 loại thuốc bổ. (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu liệt kê: "Thứ nhất, tác hại ngay trước mắt đó là "túi tiền" của những người bệnh. Bốn loại thuốc trên ảnh chắc chắn đắt hơn 2 loại thuốc tăng tuần hoàn não được kê "xen kẽ" trong đơn là Cavinton và Memoril.

Thứ hai, bệnh nhân uống nhiều thuốc sẽ tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần với nhau.

Thứ ba, mỗi ngày bệnh nhân phải uống số lượng lớn thuốc, người bệnh có nguy cơ nhầm lẫn giữa thuốc bổ và thuốc điều trị thật sự, từ đó dẫn đến tình trạng quên thuốc, bỏ thuốc".

"Với bản thân tôi, nếu bệnh thực sự cần (kể cả vấn đề tâm lý) tôi thường chỉ kê tối đa 1 loại và sẽ chọn loại không đắt tiền và rất thông dụng như Vitamin 3B, Panangin, Tanakan...", phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu nói thêm.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đăng đơn thuốc của cụ bà 79 tuổi, chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy hại- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong bài chia sẻ, phó giáo sư Lân Hiếu cũng lưu ý mọi người về cách phân biệt thuốc chữa bệnh và thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Cụ thể như sau:

- Thuốc bổ thường không có hàm lượng (đơn vị mg) còn thuốc chữa bệnh sẽ có hàm lượng.

- Hộp thuốc bổ thường thiết kế bắt mắt, viên thuốc màu sắc xanh đỏ tím vàng... nhưng lại không có hàm lượng (mg) in trên viên thuốc.

- Các thuốc bổ không cần kê đơn, có thể mua được ở siêu thị, hiệu thuốc.

Phó giáo sư Lân Hiếu cho biết việc lạm dụng thuốc đã được nhiều chuyên gia y tế cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Phó giáo sư Lân Hiếu chia sẻ nhiều lúc ông cũng muốn tặc lưỡi bỏ qua nhưng cứ nhìn những đơn thuốc như trên là ông lại không thể làm ngơ được.


Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/giam-doc-bv-dai-hoc-y-ha-noi-dang-don-thuoc-cua-cu-ba-79-tuoi-chi-ra-mot-van-de-tiem-an-nhieu-nguy-hai-a63521.html