Mẹ bé đưa bé đến cơ sở y tế địa phương thăm khám nhưng không ghi nhận gì lạ, đến khi đưa đến bệnh viện, mẹ bé mới tá hỏa khi biết bé bị hóc kim băng.
Về chuyên môn, khi bé nuốt kim băng, còn gọi là kim tây, lúc đó kim băng chưa bung ra, hai đầu kim băng tròn, nên bé mới có thể nuốt được kim băng đưa tới đầu trên của thực quản.
Kim băng thường được làm bằng kim loại dẻo, có thể uốn cong nhẹ khi nuốt. Sự co bóp của các cơ đường tiêu hóa kết hợp với chất nhầy của dịch tiêu hóa làm cho kim băng rất dễ bung đầu nhọn. Nếu chẳng may đầu nhọn ghim vào thực quản, làm nó mắc kẹt ở đó.
Tuy nhiên, không thể khẳng định chắc chắn rằng trường hợp nào nuốt kim băng sẽ làm bung đầu nhọn ra. Một số trường hợp, kim băng có thể di chuyển qua đường tiêu hóa mà không bung, và được đào thải ra ngoài theo phân.
Nuốt kim băng khi đầu nhọn ghim vào đường tiêu hóa, sẽ xuất hiện bốn triệu chứng: nuốt vướng, khó nuốt, nuốt đau; chảy máu, ói ra máu hoặc có máu trong phân; ho khàn giọng hoặc khó thở; cổ sưng to, ấn vào rất đau.
Nếu phát hiện trễ, bé sẽ bị sốt cao do nhiễm trùng; nước bọt chảy nhiều do viêm; sưng cổ kèm nổi hạch cổ; khàn giọng hoặc mất tiếng.
Nếu không điều trị kịp thời bé có thể bị thủng thực quản, nhiễm trùng nhiễm độc, nhiễm trùng huyết nguy hiểm đến tính mạng.
Các triệu chứng trên có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau vài giờ, vài ngày nuốt kim băng. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào kích thước, hình dạng và vị trí của kim băng.
Một số trường hợp có thể không có triệu chứng rõ ràng, có thể vì các bé quá nhỏ.
Ở nhà, nếu phát hiện bé nuốt kim băng, phụ huynh nên giữ bình tĩnh và trấn an bé. Gọi ngay cho cấp cứu hoặc đưa bé đến bệnh viện gần nhất. Không cho bé ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Không cố gắng móc họng bé hoặc làm bé nôn.
Hóc dị vật kim loại là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp, cần đưa bé đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Không cố gắng tự lấy kim băng ra khỏi bé vì có thể gây tổn thương thêm.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/lam-sao-biet-con-bi-hoc-di-vat-nguy-hiem-a64519.html