Testosterone là hormone sinh dục. Cơ thể mọi người đều sản sinh tự nhiên testosterone nhưng mức hormone này ở nam giới cao hơn. Nội tiết tố này đóng vai trò duy trì và phát triển cơ quan sinh dục và chức năng sinh sản của phái mạnh, khối lượng cơ, lông tóc, giọng nói trầm, sức khỏe xương, số lượng hồng cầu.
Tình trạng testosterone thấp còn gọi là suy sinh dục nam, xảy ra khi tinh hoàn không sản xuất đủ testosterone. Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ, nồng độ testosterone trong máu ở nam giới trưởng thành dưới 300 ng/dl là thấp.
Nội tiết tố suy giảm khi cơ thể già đi, mức giảm trung bình khoảng 1% mỗi năm sau 30 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây suy giảm testosterone ở nam giới không liên quan đến lão hóa và bệnh lý.
Cân nặng: Suy giảm nồng độ testosterone tỷ lệ thuận với cân nặng. Thừa cân, béo phì, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao gây căng thẳng cho cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất testosterone và quá trình phân phối tự nhiên của testosterone. Ngược lại, chỉ số BMI quá thấp, suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến mức testosterone thấp.
Hoạt động thể chất: Các bài tập như nâng tạ và tập luyện cường độ cao ngắt quãng HITT đã được chứng minh là có thể làm tăng nồng độ testosterone ngay lập tức. Nam giới lười vận động, không tập thể dục thường xuyên, có mức hormone này thấp hơn. Tuy nhiên, các bài tập tim mạch không mang lại hiệu quả tương tự và các bộ môn yêu cầu sức bền như chạy đường dài và đạp xe có thể làm giảm mức testosterone.
Chế độ ăn uống: Thực đơn cân bằng, bổ dưỡng giúp cơ thể ở trạng thái hoạt động tối ưu, bao gồm cả sản xuất testosterone, đồng thời duy trì cân nặng khỏe mạnh. Lượng calo nạp quá lớn có thể dẫn đến béo phì, sau đó gây hiệu ứng dây chuyền đối với sức khỏe.
Hút thuốc lá, lạm dụng rượu: Hút thuốc lá làm cản trở sản xuất oxit nitric - chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động tuần hoàn máu đến các cơ quan, trong đó có dương vật. Dưới ảnh hưởng của thuốc lá, lượng máu di chuyển đến vùng này bị giảm đi, dẫn đến rối loạn cương.
Lạm dụng rượu cũng làm giảm sản xuất testosterone, ức chế trung khu thần kinh khiến ham muốn tình dục suy giảm, từ đó gây rối loạn chức năng sinh dục ở nam giới, có thể dẫn đến teo tinh hoàn.
Giấc ngủ: Mức testosterone của nam giới thường cao nhất vào buổi sáng, sau khi cơ thể được nạp lại năng lượng trong khi ngủ. Quá trình này sẽ bị phá vỡ nếu thiếu ngủ hay giấc ngủ bị cản trở bởi các tình trạng như ngưng thở khi ngủ. Chu kỳ ngủ bình thường bị phá vỡ gây ảnh hưởng đến nhịp sản xuất testosterone của cơ thể.
Căng thẳng: Mức độ hormone căng thẳng cortisol cao có liên quan đến mức độ testosterone thấp hơn.
Tiếp xúc chất độc hại: Có hơn 800 loại hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) được sử dụng trong nhựa và các sản phẩm hàng ngày khác. Tiếp xúc với các EDC này có thể làm giảm nồng độ hormone sinh dục.
Testosterone giảm mạnh dưới mức bình thường có thể gây ra một loạt các triệu chứng ở nam giới như:
Ham muốn tình dục thấp: Testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ham muốn tình dục ở nam giới. Suy giảm nội tiết tố nam gây mất hứng thú với chuyện "chăn gối".
Rối loạn cương: Tình trạng khó đạt được hoặc khó duy trì cương cứng xuất phát từ do các vấn đề về mạch máu và dây thần kinh. Tuy nhiên, mức testosterone thấp và tác động của nó đến ham muốn tình dục có thể ảnh hưởng đến khả năng cương cứng, làm trầm trọng thêm triệu chứng rối loạn cương.
Lượng tinh dịch thấp: Testosterone đóng vai trò trong việc sản xuất tinh dịch tại tinh hoàn. Những người bị testosterone thấp có thể nhận thấy lượng tinh dịch bị giảm trong quá trình xuất tinh.
Rụng tóc: Dù hói đầu có yếu tố di truyền, nhưng nam giới suy giảm testosterone cũng có thể bị rụng lông, tóc trên cơ thể và trên mặt.
Mệt mỏi: Nam giới có lượng testosterone thấp thường mệt mỏi và giảm mức năng lượng.
Mất cơ, tăng mỡ: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng testosterone ảnh hưởng đến khối lượng cơ. Nồng độ testosterone thấp đôi khi còn gây chứng ngực to ở nam giới do mất cân bằng giữa testosterone và estrogen.
Giảm khối lượng xương: Testosterone giúp sản xuất và tăng cường xương. Nam giới có lượng testosterone thấp, nhất là những người lớn tuổi, có khối lượng xương thấp hơn và dễ bị gãy xương hơn.
Thay đổi tâm trạng: Nghiên cứu cho thấy rằng nam giới có lượng testosterone thấp được cho là có nhiều khả năng phải đối mặt với chứng trầm cảm, cáu kỉnh hoặc thiếu tập trung.
Thiếu máu: Người có nội tiết tố nam thấp cũng có mức hemoglobin thấp hơn và có nguy cơ mắc hoặc phát triển bệnh thiếu máu cao hơn.
Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các yếu tố lối sống trên, bác sĩ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh thói quen, sinh hoạt để cải thiện tình trạng. Cụ thể là ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng, tránh rượu bia và chất kích thích, vận động phù hợp, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, tránh tiếp xúc các chất độc hại. Nếu không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thay thế testosterone (TRT) bằng đường tiêm, đường uống, miếng dán hoặc gel thoa tại chỗ.
Anh Ngọc (Theo Cleveland Clinic)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/thu-pham-gay-suy-giam-noi-tiet-to-nam-a69937.html