Ngày 25/10, BS.CKI Hồng Văn In, Trưởng đơn vị Cấp cứu, cho biết bệnh nhân phì đại buồng trứng hai bên, trong đó buồng trứng phải rất to, kích thước 10x12x12 cm, gấp 5 lần bình thường, chẩn đoán xoắn buồng trứng bên phải, tức một bên buồng trứng xoắn xung quanh các dây chằng giữ nó.
"Xoắn buồng trứng khi mang thai là biến chứng ít gặp", bác sĩ In nói, thêm rằng đây là lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận trường hợp buồng trứng quá kích gấp 5 lần bình thường, có thể liên quan đến hội chứng quá kích buồng trứng. Hội chứng này xảy ra do sự đáp ứng quá mức của buồng trứng sau dùng thuốc kích trứng trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản.
Bệnh nhân cho hay trước đó điều trị hiếm muộn tại một phòng khám tư, được bác sĩ cho uống thuốc 5 ngày, tiêm thuốc 6 ngày để kích trứng. Vợ chồng quan hệ tự nhiên, chị thành công mang thai song được 5 tuần thì đau bụng kèm nôn ói, đi cấp cứu. Vợ chồng đã 4 năm vô sinh không rõ nguyên nhân, từng hai lần bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) thất bại.
Chị Thùy được chuyển viện từ Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật gỡ xoắn, 5-7 phút sau cuộc mổ vòi trứng và buồng trứng hồng hào trở lại.
Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thai phụ xoắn buồng trứng nếu phát hiện muộn, buồng trứng có thể bị phù nề mô đệm, nhồi máu xuất huyết, hoại tử mất chức năng. Khi đó buộc phải cắt một buồng trứng, sức khỏe thai nhi bị đe dọa do thiếu hụt nội tiết đột ngột. Ca phẫu thuật tháo xoắn sớm giúp khôi phục lưu lượng máu đến buồng trứng, tránh nguy cơ sảy thai.
"Bệnh nhân bị xoắn buồng trứng lúc nửa đêm, nhờ quy trình chẩn đoán sớm, chuyển viện kịp thời và phẫu thuật nhanh, mới giữ lại được buồng trứng", bác sĩ Nhi nói. Hậu phẫu, bệnh nhân không còn đau bụng và nôn, thai kỳ vẫn tiến triển, xuất viện, tuy nhiên tình trạng xoắn vặn buồng trứng vẫn có nguy cơ tái phát trong thai kỳ, bác sĩ khuyên khám thai đầy đủ.
Xoắn buồng trứng xảy ra chủ yếu với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nhóm nguy cơ cao dễ xoắn gồm buồng trứng có u, sử dụng thuốc kích thích buồng trứng, từng phẫu thuật ở vùng tiểu khung. Triệu chứng lâm sàng không rõ, dễ nhầm bệnh đau bụng, rối loạn tiêu hóa thông thường.
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo phụ nữ bị đau bụng tăng dần và bất ngờ ở vùng chậu, đau liên tục hoặc từng cơn kèm buồn nôn, nôn, cần đi khám sớm. Người có u buồng trứng hoặc từng dùng thuốc kích trứng, đang trong quá trình tiêm thuốc kích trứng cần báo với bác sĩ vì nguy cơ cao mắc bệnh này. Trường hợp ở xa bệnh viện như chị Thùy nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế có bác sĩ sản phụ khoa gần nhất để được khám kịp thời.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/noi-soi-thao-xoan-buong-trung-cuu-thai-phu-hiem-muon-a71295.html