Bé trai thừa hai ngón tay út

TP HCMHai bàn tay bé Quốc Anh đều có thêm một ngón út không có khớp, không cử động, đến 4 tháng tuổi được bác sĩ phẫu thuật cắt ngón thừa.

Gia đình bé không có ai mắc dị tật thừa ngón. Trong 30 phút phẫu thuật, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM triệt mạch máu của ngón thừa, cắt ngón thừa, khâu thẩm mỹ cho bé. Sau mổ, bé tỉnh táo, xuất viện trong ngày. Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh của bé cách theo dõi vết mổ, tái khám theo lịch hẹn.

Tay bé Quốc Anh trước và sau khi phẫu thuật cắt ngón út thừa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tay bé Quốc Anh trước và sau khi phẫu thuật cắt ngón út thừa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ngày 23/11, ThS.BS Lâm Thiên Kim, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết thừa ngón là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 1/1.000 trẻ sơ sinh. Tình trạng này xảy ra do bất thường trong quá trình phát triển chi. Đây có thể là khiếm khuyết riêng lẻ hoặc liên quan đến các dị tật bẩm sinh khác.

Nguyên nhân gây dị tật thừa ngón thường là yếu tố di truyền hoặc môi trường. Nếu người thân trong gia đình từng bị dị tật này hoặc các hội chứng rối loạn di truyền khác, trẻ có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh. Mẹ mắc các bệnh rubella, herpes, lupus ban đỏ... trong thai kỳ, thai nhi có thể bị thừa ngón.

Dị tật thừa ngón được chia thành ba loại gồm thừa ngón về phía trong (phía xương quay cẳng tay hay xương chày cẳng chân), thừa ngón về phía ngoài (ngón thừa nằm ngoài ngón út), thừa ngón trung tâm (ngón thừa nằm giữa các ngón khác). Tùy thuộc từng loại, ngón thừa của trẻ có thể phát triển đầy đủ, giống các ngón còn lại hoặc kém phát triển hơn ngón chính, có thể chỉ có da, dây thần kinh.

Theo bác sĩ Kim, phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp cải thiện tính thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống cho trẻ. Điều trị thừa ngón phụ thuộc vào mức độ phức tạp và vị trí của dị tật. Nguyên tắc điều trị là phẫu thuật bỏ ngón thừa, giữ lại ngón có chức năng tốt hơn, tận dụng tối đa cấu tạo của ngón phụ để tạo hình nhằm đảm bảo hiệu quả giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.

Ở những trường hợp phức tạp, bệnh nhi được chỉnh trục ngón, cố định xương, tạo hình dây chằng, gân và da thành ngón tay hoàn chỉnh. Sau phẫu thuật, bé tập vật lý trị liệu để giảm sẹo, độ cứng, sưng, cải thiện chức năng của bàn tay. Trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể loại bỏ ngón thừa, không cần tái tạo bất kỳ phần nào của bàn tay, chân.

Để giảm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và phát triển thể chất, bác sĩ Kim khuyến cáo phụ huynh cho bé khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật nhi để được tư vấn và điều trị.

Ngọc Châu

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/be-trai-thua-hai-ngon-tay-ut-a73844.html