Doanh thu tiền tỷ
Nằm yên bình bên dòng sông Tích, xã Tích Giang đã vươn mình trở thành một điểm đến nổi bật với những lợi thế tự nhiên phong phú và bản sắc văn hóa đậm đà.
Từ những năm 1990, người dân nơi đây đã bắt đầu khám phá và phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, biến nó thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đến năm 2022, Tích Giang vinh dự được công nhận là "Làng nghề Hà Nội" nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nghề hoa, cây cảnh.
Hiện nay, với gần 600 hộ gia đình tham gia sản xuất trên tổng diện tích 94,9 ha, nghề trồng hoa ở Tích Giang không chỉ giúp người dân nâng cao đời sống mà còn thu hút đông đảo du khách. Trên tuyến quốc lộ 32 chạy qua xã, các nhà vườn rực rỡ sắc hoa đang hối hả chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán, tạo nên khung cảnh vừa náo nhiệt, vừa thơ mộng.
Nhiều hộ gia đình tại Tích Giang đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất hiện đại như nhà màng, nhà lưới, đem lại năng suất cao và sản phẩm chất lượng. Điển hình là gia đình ông Hoàng Văn Trào, sở hữu hơn 1ha đất trồng hoa hồng thế và hoa đồng tiền. Vài năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Trào chia sẻ với Người Đưa Tin: "Gia đình tôi trồng hoa quanh năm, đa dạng các loại như dạ thảo đơn, dạ thảo kép, phong lữ rủ… Với diện tích 5.000m², chúng tôi sản xuất khoảng 10.000 chậu hoa mỗi năm.
Nhờ thời tiết thuận lợi và sự bảo vệ của nhà màng, chất lượng hoa luôn đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.. Ngoài ra, chúng tôi còn đón tiếp nhiều đoàn du khách đến tham quan vườn hoa, chụp ảnh và mua hoa về trồng hoặc làm quà”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Đoàn ở thôn 6 cũng gặt hái thành công lớn từ nghề trồng hoa. Với các loại hoa như tường vi, nguyệt quế, hoa giấy, cùng nhiều giống hoa cổ quý như cúc cổ Sơn La, cúc cổ Sa Pa, hồng đào, doanh thu của gia đình bà đạt hơn 500 triệu đồng mỗi năm.
"Khi du khách đến vườn, họ không chỉ mua hoa mà còn được nghe chúng tôi chia sẻ về cách chăm sóc, ý nghĩa của từng loài hoa. Nhiều người còn thích thú với những trải nghiệm như tự tay cắt tỉa hoa hoặc chụp ảnh giữa vườn hoa đầy sắc màu.
Những khoảnh khắc ấy vừa giúp lan tỏa giá trị văn hóa, vừa khiến tôi tự hào vì quê mình ngày càng được nhiều người biết đến”.
Con đường dẫn vào xã được bê tông hóa khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan và mua sắm. Đi sâu vào xã, những cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu và các khu nhà kính, nhà lưới hiện đại khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ.
Không chỉ nổi tiếng với nghề trồng hoa, Tích Giang còn là điểm đến hấp dẫn nhờ hệ thống di tích lịch sử phong phú. Xã hiện có 6 di tích được xếp hạng, trong đó đình Tường Phiêu (hay còn gọi là Đình Cả) được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, xã còn có 3 di tích quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa.
Các lễ hội truyền thống như lễ hội đình Tường Phiêu hay lễ hội làng Cung Sơn, nơi trai tráng trong làng cởi trần bắt cá, cũng là điểm nhấn văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.
Cần "cú hích" để phát triển du lịch nông thôn
Theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lữ hành Việt Nam, Tích Giang không chỉ là một vùng quê trù phú mà còn có vị trí kết nối chiến lược với nhiều điểm đến nổi tiếng trong và ngoài huyện Phúc Thọ.
Từ Tích Giang, du khách có thể dễ dàng khám phá Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, hay các danh thắng nổi tiếng trên quốc lộ 32 như chùa Thầy, chùa Tây Phương và núi Ba Vì. Với mạng lưới liên kết đa dạng, Tích Giang hội tụ đầy đủ tiềm năng để trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút không chỉ khách nội địa mà còn cả du khách quốc tế.
Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên những giá trị cốt lõi như điều kiện tự nhiên, văn hóa bản địa và sinh thái cộng đồng.
“Xã Tích Giang muốn khai thác tốt tiềm năng du lịch nông thôn cần chú trọng xây dựng các hoạt động trải nghiệm đặc sắc, tạo thêm điểm nhấn như các khu vực check-in được thiết kế bằng hoa hoặc tổ chức các hoạt động tương tác để du khách cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống thôn quê”, ông Thắng gợi ý.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, kiêm Giám đốc Công ty Lữ hành AZA, đề xuất Tích Giang tận dụng lợi thế của một làng hoa lớn để phát triển các không gian du lịch độc đáo như cánh đồng hoa rực rỡ, suối hoa thơ mộng – nơi du khách có thể thỏa sức chụp ảnh, thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên.
Không dừng lại ở đó, ông Đạt còn nhấn mạnh tiềm năng của các hoạt động du lịch kết hợp giáo dục, đặc biệt là tổ chức các chương trình trải nghiệm trồng hoa gắn với bảo vệ môi trường.
“Các nhà vườn có thể sử dụng chai lọ nhựa tái chế làm chậu hoa, vừa giảm thiểu rác thải, vừa tạo nên những sản phẩm sáng tạo, thu hút đối tượng học sinh tham gia. Những hoạt động này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Phan Huy Cường - Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, việc xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tại Tích Giang nằm trong Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tích Giang cần tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch, xây dựng nội dung thuyết minh hấp dẫn, đồng thời tăng cường liên kết với các tuyến, điểm du lịch lân cận.
Thời điểm cuối thu - đầu đông và cận Tết Nguyên đán được cho là giai đoạn vàng để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch trong ngày hoặc theo mùa.
Các đơn vị lữ hành cũng khuyến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh và xây dựng các con đường hoa độc đáo để tạo dấu ấn riêng.
Những nỗ lực này sẽ giúp Tích Giang trở thành điểm đến nổi bật, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hai-ra-tien-tu-du-lich-nong-thon-a76029.html