Đang thưởng thức một miếng bánh mì và đột nhiên nhận ra bản thân cắn phải một mảng mốc xanh là điều "khó thể nói nên lời". Việc làm này không chỉ khiến mọi người cảm thấy ghê tởm mà còn gây lo lắng vì băn khoăn không biết ăn phải nấm mốc liệu có nguy hiểm hoặc có nên đi cấp cứu ngay lập tức không.
Trên thực tế, đây là hiện tượng rất phổ biến. Keri Gans, chuyên gia dinh dưỡng ở New York giải thích, nấm mốc rất dễ phát triển trên thực phẩm mềm và xốp như bánh mì, trái cây, rau củ. Hơn nữa, mọi người thậm chí có thể đã từng ăn phải chúng mà không hề hay biết.
Rudolph Bedford, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John’s ở Santa Monica cho biết, về cơ bản, ăn phải thực phẩm bị mốc không gây hại quá nhiều cho cơ thể và làm đe dọa đến tính mạng như mọi người nghĩ.
Do vậy, ngay cả khi vô tình nuốt phải mảng mốc xanh đó, bạn có thể sẽ không bị gì cả. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần lưu ý một số điều dưới đây và tránh ăn phải thực phẩm bị mốc:
Chuyện gì xảy ra nếu ăn phải nấm mốc?
Trong trường hợp hiếm hoi, ăn phải nấm mốc sẽ khiến bạn bị ốm.
Chạy ngay vào phòng tắm để chà lưỡi và súc miệng là việc làm đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi ăn phải nấm mốc. Theo bác sĩ Rudolph, bạn sẽ không chết khi ăn phải thứ này. Trên thực tế, nếu hệ miễn dịch đang ở trạng thái tốt, cơ thể có thể tiêu hóa nấm mốc như các loại thực phẩm khác.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chỉ ra, mặc dù nấm mốc có thể phát triển trên các sản phẩm động thực vật khi tiếp xúc lâu dài với không khí, nước hoặc côn trùng, chúng lại thường không gây nguy hiểm.
Hơn nữa, nấm mốc còn xuất hiện trên một số loại thực phẩm như dăm bông, pho mát đã qua xử lý khô. Trong nhiều trường hợp, những mảng xanh này hoàn toàn có thể ăn được.
Liệu bạn có bị ốm sau khi ăn thực phẩm nấm mốc?
Mọi người nên coi nấm mốc như một dấu hiệu cho thấy thức ăn đã hỏng và cần vứt bỏ.
Theo bác sĩ Rudolph, bị ốm sau khi ăn phải nấm mốc là hiện tượng rất hiếm. Để dẫn tới tình trạng đó, bạn sẽ phải tiêu thụ một lượng lớn những mảng xanh bám trên thức ăn này.
Dù vậy, nếu gặp phải các triệu chứng như buồn nôn và nôn liên tục, mọi người nên liên lạc với bác sĩ càng sớm càng tốt. Thông thường, uống thuốc chống buồn nôn sẽ làm dịu các triệu chứng.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê một thứ gì đó kích thích nôn hoặc tiêu chảy, từ đó đào thải chất độc ra khỏi cơ thể một cách nhanh nhất.
Với những người bị dị ứng nấm mốc, tiêu thụ các mảng xanh bám trên thực phẩm này sẽ góp phần gây ra các vấn đề về hô hấp.
Tuy nhiên, bác sĩ Rudolph cho biết, bạn đừng quá lo lắng vì hiện tượng này thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và có thể dễ dàng được điều trị.
Thực phẩm có thể ăn được nếu cắt bỏ phần nấm mốc?
Những thực phẩm nên vứt bỏ khi bị mốc bao gồm phô mai mềm, trái cây mềm, đồ nướng, các loại đậu, quả hạch, sữa chua, thạch, bánh mì và thịt.
Khi nhận thấy một ít mốc bám trên thức ăn, nhiều người cho rằng có thể cắt bỏ những mảng xanh này và tiếp tục dùng. Đây là việc làm đúng hay sai còn phụ thuộc vào loại thực phẩm.
Theo USDA, mặc dù bạn chỉ nhìn thấy một phần nhỏ nấm mốc bám bên ngoài thức ăn, trên thực tế độc tố rất có thể đã xâm nhập vào sâu bên trong mà mắt thường không nhìn thấy. Do đó, cách tốt nhất là vứt bỏ toàn bộ thức ăn chứa các mảng xanh này, bất kể mảng mốc xuất hiện ở đâu.
Tuy nhiên, nấm mốc khó thể xâm nhập dễ dàng vào một số loại pho mát cứng, xúc xích cứng, trái cây và rau củ có vỏ cứng như thực phẩm mềm. Vì vậy, chúng ít khi bị các mảng xanh tấn công vào sâu bên trong lõi.
Mọi người có thể cắt bỏ tối thiểu 2-3cm xung quanh và bên dưới mảng mốc, giữ dao không bị mốc bám vào trong quá trình thực hiện, đồng thời che phần còn dùng được của thực phẩm vào một lớp bọc mới.
Làm cách nào để ngăn nấm mốc hình thành?
Dù không thể loại bỏ hoàn toàn nấm mốc, một số mẹo đơn giản có thể giúp thức ăn của bạn tươi ngon lâu hơn và hạn chế nấm mốc tấn công.
Nấm mốc thường phát triển mạnh mẽ khi gặp môi trường ấm và ẩm ướt. Các bào tử nấm mốc khô trôi nổi trong không khí để tìm kiếm nơi phát triển thích hợp. Dưới đây là những khuyến nghị của USDA giúp ngăn chặn các mảng xanh này phát triển trên thực phẩm hiệu quả và đơn giản nhất:
- Kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi mua.
- Mua thực phẩm với số lượng vừa đủ để nấm mốc không có thời gian phát triển.
- Bọc thức ăn bằng màng bọc thực phẩm.
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.
- Bỏ thức ăn thừa sau 3-4 ngày.
- Làm sạch tủ lạnh thường xuyên.
- Giữ độ ẩm trong nhà dưới 40%.
(Nguồn: Women'shealth )
https://afamily.vn/chuyen-gi-xay-ra-neu-ban-vo-tinh-an-phai-nam-moc-20220307121632736.chn