Một số người cho rằng uống nước khi ăn làm loãng axit dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, Johannes Georg Wechsler, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Dinh dưỡng Đức, cho biết điều này không hoàn toàn chính xác.
"Nó chỉ đúng một phần. Uống trong bữa ăn có thể làm loãng axit dạ dày. Tuy nhiên, cơ thể bạn sản xuất tới 4 lít axit mỗi ngày. Nó phân hủy thực phẩm thành các phần riêng lẻ để chuyển hóa tiếp. Nó cũng tiêu diệt hầu hết vi khuẩn mà nước bọt chưa xử lý hết", tiến sĩ Wechsler cho biết.
Rita Rausch, chuyên gia ẩm thực và dinh dưỡng tại Trung tâm tư vấn Người tiêu dùng bang Rhineland-Palatinate của Đức, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng việc vừa ăn, vừa uống nước lọc không có hại cho cơ thể.
"Một cốc nước không gây ra vấn đề gì. Ngược lại, nó giúp vận chuyển thức ăn được nhai với nước bọt vào dạ dày, từ đó đi đến ruột", bà giải thích.
Tại một số gia đình, các phụ huynh không cho phép trẻ em uống nước trong bữa ăn vì lo ngại đồ uống sẽ làm mất tập trung, gây cảm giác no bụng, khiến trẻ ăn quá ít và suy dinh dưỡng. Tiến sĩ Palatinate cho rằng nỗi lo lắng này là có cơ sở.
"Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể thỏa hiệp. Cho phép trẻ uống một chút nước trong khi ăn, nhưng chỉ giới hạn một ly thôi. Lượng nước này phải được uống trải đều trong toàn bộ bữa ăn", bà gợi ý.
Theo tiến sĩ Wechsler, loại thức uống thích hợp nhất trong các bữa ăn là nước lọc (nước máy hoặc nước đóng chai), để trẻ có thể cảm nhận hương vị của thức ăn và không cảm thấy chán.
Ông nhận định thói quen uống rượu bia trong bữa ăn của nhiều người lớn sẽ làm sai lệch vị của thức ăn. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn cũng chứa lượng calo cao, không tốt cho sức khỏe. Nước soda, coca và nước ép trái cây cũng không phù hợp để dùng trong bữa ăn. Đối với người lớn, tiến sĩ Palatinate gợi ý uống trà trái cây không đường.
"Uống một ly nước trước bữa ăn cũng là ý kiến hay, đặc biệt với những người đang ăn kiêng hoặc phải kiểm soát cân nặng", tiến sĩ Wechsler nói thêm.
Ông giải thích nước sẽ làm căng dạ dày, tạo cảm giác no giả, làm giảm cảm giác thèm ăn và khiến mọi người ăn ít hơn. "Dù vậy, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nước giúp bạn trở nên thon gọn hơn", ông bổ sung.
Tiến sĩ Wechsler khuyến nghị sử dụng nước ấm, dù là trước, trong hay sau bữa ăn, vì nước ở nhiệt độ khoảng 36 độ C sẽ kích thích quá trình trao đổi chất, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt có lợi sau khi ăn một bữa lớn.
Biện pháp hỗ trợ tiêu hóa khác là uống một tách cà phê sau khi ăn. Tiến sĩ Wechsler cho biết các hợp chất có vị đắng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Nước cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Các chuyên gia khuyến nghị mỗi người uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày, nhưng không nên uống lượng nước quá lớn cùng lúc. Thông thường, cơ thể chỉ hấp thụ hiệu quả lượng nước hạn chế ở một thời điểm. Tiến sĩ Wechsler khuyến nghị uống một cốc nước mỗi giờ.
Trẻ em cần lượng nước ít hơn. Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Đức, trẻ từ 4 đến 7 tuổi có thể uống khoảng 940 ml nước mỗi ngày.
Uống đủ nước rất quan trọng, bởi cơ thể mất khoảng 2,5 lít nước trong ngày thông qua mồ hôi, ngay cả khi không hoạt động thể chất quá mạnh. Nếu không bổ sung kịp thời, cơ thể không thể tự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng một cách tối ưu.
"Biểu hiện của tình trạng này là khó tập trung, đau đầu, chóng mặt. Nếu không uống nước trong 7 ngày, bạn sẽ chết", tiến sĩ Wechsler cảnh báo.
Thục Linh (Theo SCMP)
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/uong-nuoc-nhu-the-nao-trong-bua-an-a8483.html