Hoa Hậu Phan Hoàng Thu: "Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng"

Phan Hoàng Thu - Hoa hậu Đông Nam Á 2014 đã có chia sẻ hết sức thẳng thắn về những cuộc thi sắc đẹp đang được ồ ạt tổ chức thời gian gần đây...

Tính từ đầu năm tới nay có tới gần 20 cuộc thi Hoa hậu đã tổ chức và công bố tổ chức: Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Miss Fitness Vietnam... 

Đó còn chưa kể các cuộc thi hoa khôi, người đẹp… Nhiều người cho rằng, với đà này, từ giờ tới cuối năm, Việt Nam hẳn có tới gần 100 Hoa hậu, Á hậu, Hoa khôi, Á khôi… Ra ngõ gặp Hoa hậu, lên mạng xã hội gặp Hoa hậu, Á hậu là có thật.

Hoa hậu Phan Hoàng Thu đã có những chia sẻ riêng về vấn đề này với Người Đưa Tin.

Ở Việt Nam, cách nhanh nhất để trở thành sao hạng A chính là trở thành Hoa hậu!

Người Đưa Tin (NĐT): Chào Phan Hoàng Thu, “loạn Hoa hậu” là câu nói cửa miệng mà gần đây người ta nói về các cuộc thi dành cho phái đẹp. Chị đánh giá như thế nào về thực trạng bùng nổ các cuộc thi nhan sắc hiện nay?

HH Phan Hoàng Thu: Một năm, chỉ tính riêng trong nước đã có tới hàng chục các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi các loại lớn nhỏ, thì “loạn” cũng là lẽ dễ hiểu. Các cuộc thi Hoa hậu bây giờ đa phần đều bị thương mại hoá, các tổ chức thì cứ thấy lợi, thấy lãi là làm, bất chấp chất lượng và giá trị. Trừ một số cuộc thi lớn và có uy tín, còn đâu, mặt bằng chung về chất lượng thi sính của nhiều cuộc thi hiện giờ khá tệ, đặc biệt là các cuộc thi “ao làng” không được cấp phép. Nói “loạn Hoa hậu” còn là nhẹ. Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng.

Văn hoá - Hoa Hậu Phan Hoàng Thu: 'Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng'

Phan Hoàng Thu - Hoa hậu Đông Nam Á 2014 đã có những chia sẻ thẳng thắn về những cuộc thi HH hiện nay.

NĐT: Hiện tại, Nhiều công ty đứng ra mua bản quyền các cuộc thi quốc tế, tổ chức liên tiếp phiên bản Việt trong một năm và cho rằng, đó là cách để người đẹp Việt tiệm cận với bản quyền, hình thức thi quốc tế. Chị có ủng hộ hay không?

HH Phan Hoàng Thu: Tôi luôn ủng hộ những sân chơi có giá trị, mang tính xây dựng cho cộng đồng và những đơn vị tổ chức có uy tín. “Thi hoa hậu” bây giờ có thể coi là một “ngành công nghiệp”, ngành công nghiệp Hoa hậu. Đương nhiên, từ những cuộc thi, một khối lượng lợi nhuận không nhỏ cũng sẽ được đem về cho những đơn vị tổ chức và nắm bản quyền các cuộc thi Hoa hậu, có thể kể tới đa phần là từ những nhà tài trợ và các quảng cáo lớn nhỏ. Tất nhiên, nếu không có lợi nhuận thì chẳng có công ty nào lại tổ chức các cuộc thi Hoa hậu cả.

Cái đáng nói ở đây chính là, cho dù có kiếm tiền thì các đơn vị tổ chức cũng nên đề cao và gìn giữ giá trị vốn có của mỗi cuộc thi, không nên vì hai chữ lợi nhuận mà đánh mất đi uy tín và chất lượng cũng như giá trị cốt lõi của hai tiếng Hoa hậu.

NĐT: Theo chị, việc bùng nổ các cuộc thi nhan sắc có nâng cao được vị thế của văn hoá Việt Nam?

HH Phan Hoàng Thu: Nếu làm tốt, chất lượng thí sinh đi lên, đồng nghĩa với việc tìm được những đại diện chất lượng cho Việt Nam tại các đấu trường nhan sắc Quốc tế và giúp cho hai tiếng Việt Nam thân thương được thăng hạng trên bản đồ sắc đẹp Quốc tế thì đúng, tôi đồng ý với việc vị thế văn hoá của Việt Nam sẽ phần nào thăng hạng. Nhưng nếu làm không tốt, chất lượng các cuộc thi và thí sinh giảm sút chỉ vì sự thương mại hoá không đáng có thì nó sẽ vô cùng “phản tác dụng” và làm trò cười cho bạn bè Quốc tế.

Tôi cũng từng là thí sinh, từng đăng quang tại một số cuộc thi sắc đẹp và cũng từng cầm cân nảy mực cho nhiều cuộc thi trong nước và Quốc tế, nếu nói có nên ủng hộ sự “bùng nổ” này hay không, thì thú thực, tôi chỉ ủng hộ sự bùng nổ nếu nó đến từ những cuộc thi uy tín và chất lượng thôi, còn “yếu kém” quá thì thôi, “dẹp loạn” là điều cần thiết.

Văn hoá - Hoa Hậu Phan Hoàng Thu: 'Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng' (Hình 2).

Phan Hoàng Thu cho rằng, nếu các cuộc thi sắc đẹp kém chất lượng thì nên "dẹp loạn".

NĐT: Có một thực tế là nhiều thí sinh vừa thi xong một cuộc thi nhan sắc, không thể lọt top cao, đã ngay lập tức nộp đơn dự một cuộc thi khác. Theo chị lý do gì mà họ vội vàng thế?

HH Phan Hoàng Thu: Với hiểu biết tâm lý còn hạn hẹp của tôi, có lẽ mong muốn “đổi đời” và khẳng định bản thân của họ chính là mục đích lớn nhất của việc này. Trước đây, có người đã từng nói với tôi thế này: “Ở Việt Nam, cách nhanh nhất để trở thành sao hạng A chính là trở thành Hoa hậu”. Đồng ý, chiếc vương miện đôi khi sẽ giúp các cô gái có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong cuộc sống và sự nghiệp, nhưng họ lại quên mất rằng, bên cạnh sự lấp lánh của hào quang và những lợi ích trước mắt kia thì nó còn là sứ mệnh nặng nề và trọng trách của cả một cộng đồng trên vai những người thắng cuộc.

Chiếc vương miện nhìn thì có vẻ mỏng manh nhẹ nhàng đấy, nhưng sức nặng và áp lực vô hình của nó thì thật khủng khiếp, đặc biệt là áp lực đến từ công chúng - những vị giám khảo sẽ dõi theo bạn "nhất cử nhất động" đến suốt cuộc đời, một khi bạn trở thành “người của công chúng”. Những điều đó, liệu bạn có lường được trước khi ghi danh vào bất cứ cuộc thi nào hay không?

NĐT: Có phải sau khi đạt giải, nhiều người đẹp dễ dàng kiếm tiền hơn, thậm chí gặp đại gia đổi đời nên nhiều người đẹp bất chấp thi Hoa hậu?

HH Phan Hoàng Thu: Một năm có tới hàng chục cuộc thi Hoa hậu lớn nhỏ, đồng nghĩa với việc người chiến thắng, giành vương miện Hoa hậu, Á hậu cũng lên tới 30 người. Có thể hôm nay bạn là Hoa hậu, bạn được công chúng nhắc tới, nhưng sang năm sau, có ai còn nhớ bạn là ai nếu bạn chỉ là một cô Hoa hậu nhạt nhoà, không tài năng, không phẩm chất và không cống hiến?

Đồng ý, chiếc vương miện chính là cơ hội để các cô gái trẻ bước chân sang một trang mới của cuộc đời. Nhưng cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc thì còn phải do chính sự cố gắng ở bản thân bạn. Cái gì dễ có thì người ta cũng dễ quên. Công chúng mau quên lắm. Đại gia giờ họ cũng chẳng cần một cô chân dài não ngắn chỉ biết moi tiền đâu, cái họ cần là một người “đồng hành” cơ. Vì thế, giá trị của một danh hiệu còn nằm ở chính bản thân của người đội lên đầu chiếc vương miện đó, chứ không phải vương miện làm nên con người.

Người ta vẫn có câu “Quần áo không làm nên thầy tu”, sang hèn là do bạn, giàu nghèo là do bạn, đổi đời được hay không thì chỉ có bản thân bản mới trả lời được câu hỏi ấy. Nếu hôm nay bạn là người chiến thắng của một cuộc thi, thì hãy sống sao cho xứng đáng với danh hiệu mà Ban giám khảo và công chúng đã gửi gắm cho bạn. Cứ sống tốt, làm việc, trau dồi bản thân và cống hiến hết mình, rồi tự khắc “quả ngọt” sẽ rụng vào tay bạn thôi.

Văn hoá - Hoa Hậu Phan Hoàng Thu: 'Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng' (Hình 3).

Hoa hậu Đông Nam Á 2014 cho hay, cô chưa bao giờ coi Hoa hậu là một nghề.

Với tôi, Hoa hậu chưa bao giờ là một nghề

NĐT: Thế giới nhìn cuộc thi Hoa hậu như là 1 sự kiện giải trí, còn ở Việt Nam từ khán giả đến người đẹp rất đề cao, thậm chí coi Hoa hậu như 1 cái nghề. Vì sao vậy chị?

HH Phan Hoàng Thu: Với tôi, Hoa hậu chưa bao giờ là một nghề, nó chỉ là một danh hiệu đi cùng mình suốt cuộc đời, còn danh hiệu này có đáng tự hào khi được công chúng nhắc tới, hay là một nỗi ê chề lắc đầu mỗi khi nhìn lại, thì phải xem người được đội lên đầu chiếc miện kia liệu có xứng đáng hay không.

Danh hiệu, có thể giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc được công chúng nhận diện, ưu ái hơn trên con đường công danh sự nghiệp, nhưng nó đâu phải tất cả. Vương miện cũng chẳng làm nên một cô Hoa hậu mà chính là trí tuệ, phẩm cách, đạo đức và nhan sắc của cô gái ấy giúp cho chiếc vương miện mình đội trên đầu trở nên sáng lấp lánh hơn.

Nếu bạn nhạt nhoà, không có đạo đức, không tài năng, không lao động và không cống hiến, thì cho dù bạn có thi 10 cuộc thi Hoa hậu, đội trên đầu hàng tá vương miện, thì bạn cũng chẳng thể thành công được. Danh hiệu là một bước đệm thôi, còn quyết định thành bại thì phải nằm ở chính bạn.

NĐT: Chị nghĩ gì việc một Hoa hậu mới đăng quang gần đây bị cộng đồng mạng "ném đá" và soi mói đời tư, có phải ai giành vương miện cũng bị thế?

HH Phan Hoàng Thu: Chấp nhận trở thành người của công chúng, có nghĩa là chấp nhận việc đời tư của mình sẽ bị phơi bày ra ánh sáng với hàng triệu con mắt dõi theo mỗi ngày. Trừ phi bạn chẳng là ai cả, còn một khi đã đi thi Hoa hậu và giành vương miện cũng như bước chân vào thế giới showbiz đầy hào quang thì cũng có nghĩa là, bạn phải chấp nhận với những ánh mắt quan tâm đôi khi là có phần soi mói đó.

Trách mình chưa đủ “vừa vặn” với chiếc vương miện và danh hiệu, chứ đừng trách công chúng. Đương nhiên, Hoa hậu và người nổi tiếng cũng giống như “làm dâu trăm họ vậy”, chín người mười ý, có người yêu, cũng sẽ có người ghét. Nhưng nếu đạo đức, phẩm cách và đời tư của bạn thật sự có vấn đề, thì lúc đó, tôi nghĩ, bạn nên xem lại bản thân trước khi đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Văn hoá - Hoa Hậu Phan Hoàng Thu: 'Danh xưng Hoa hậu đang bị rẻ rúng, đánh đồng' (Hình 4).

Cô cho biết, mình không sợ bị "ném đá" khi có ý kiến về các cuộc thi Hoa hậu ồ ạt hiện nay.

NĐT: Trước những lùm xùm về đời tư, cuộc sống, nhiều Hoa hậu, nhiều BTC các cuộc thi Hoa hậu chọn cách im lặng khi bị truy vấn, theo chị đó có phải là cách hay?

HH Phan Hoàng Thu: Thiết nghĩ, trong những trường hợp này, các BTC nên kiểm chứng những thông tin lùm xùm đó một cách rõ ràng và đưa ra thông cáo chi tiết tới truyền thông cũng như khán giả để bảo vệ Hoa hậu mà họ đã chọn.

Trong trường hợp, nếu những tin đồn ấy là sự thật thì nên có biện pháp mạnh như tước vương miện để thấy được tính công bằng, nghiêm túc của cuộc thi. Đó mới là cách hay để bảo vệ thí sinh của họ và giữ gìn được uy tín cũng như hình ảnh mà cuộc thi đã xây dựng. Đồng thời, đó cũng là một sự tôn trọng cần thiết đối với công chúng, những khán giả đã quan tâm và ủng hộ họ.

NĐT: Theo chị, thì cơ quan Nhà nước, các Bộ, ngành nên có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng các cuộc thi nhan sắc hiện nay?

HH Phan Hoàng Thu: Tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé, nên không dám đưa ra bất cứ lời khuyên cho ai, nhưng nếu để nói lên mong muốn của bản thân mình, thì tôi vẫn mong các cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp mạnh tay để “dẹp” những cuộc thi kém chất lượng và có hình phạt xứng đáng với những thí sinh chưa đủ điều kiện dự thi hay những “người thắng cuộc” chưa xứng đáng với danh hiệu khi những có hành động, lời nói và cách hành xử làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục Việt Nam và gây tác động xấu cũng như làm lệch lạc suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ.

NĐT: Chị có sợ bị ném đá khi có ý kiến thẳng thắn về các cuộc thi sắc đẹp hiện nay?

HH Phan Hoàng Thu: Nếu sợ ném đá thì tôi đã không hoạt động trong showbiz suốt bao năm nay rồi. Tôi tin rằng, cho dù mình có thẳng thắn mà chẳng may làm mất lòng ai đó, thì đâu đó ngoài kia vẫn có nhiều khán giả sẽ ủng hộ suy nghĩ và góc nhìn của tôi. Bởi xét cho cùng, những gì tôi lên tiếng cũng chỉ để thể hiện mong muốn nhỏ bé của bản thân, với tư cách là một người con Việt Nam, khát khao lan toả giá trị “sạch” và “đẹp” của hai tiếng Hoa hậu tới cộng đồng mà thôi.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Ngày 25/3/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Một trong những điểm mới là việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Việc cấp phép cho các thí sinh người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được xóa bỏ, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, Nghị định cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ.

Sự thông thoáng, cởi mở quy định tổ chức cuộc thi nhan sắc của Nghị định 144 lại làm dấy lên lo ngại rằng, liệu tình trạng "loạn" hoa hậu có tái tiếp diễn?

Trước những ý kiến trái chiều, NSND Nguyễn Quang Vinh, Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn chia sẻ: "Đơn vị nào có đủ điều kiện, đăng ký chức năng hoạt động biểu diễn thì vẫn được phép tổ chức nếu được sự đồng ý của địa phương. Nếu cơ quan Nhà nước nào cũng yêu cầu đơn vị tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện này, kia thì sẽ mất đi sự sáng tạo. Chúng ta chỉ có quy định hành lang là không được làm những điều pháp luật cấm".

 

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/hoa-hau-phan-hoang-thu-danh-xung-hoa-hau-dang-bi-re-rung-danh-dong-a8621.html