Trong diễn biến mới nhất của thương vụ giữa Elon Musk và Twitter, tỷ phú giàu nhất thế giới tuyên bố rằng sẽ không mua lại nền tảng truyền thông xã hội này nữa. Ngay sau đó, Chủ tịch Twitter, Bret Taylor khẳng định công ty sẽ có động thái pháp lý để yêu cầu Elon Musk thực hiện những điều đã cam kết.
CNBC đã đưa ra 8 kịch bản có thể xảy ra đối với thương vụ này:
1. Thỏa thuận kết thúc, Musk trả phí bồi thường
Về lý thuyết, đây có thể là lựa chọn phù hợp cho cả hai bên: không có kiện tụng, Musk trả phí chấm dứt hợp đồng 1 tỷ USD và Twitter tiếp tục hoạt động – dù định giá thấp hơn đáng kể mức 44 tỷ USD mà CEO Tesla đưa ra trước đó.
Đây là con đường mà người đồng sáng lập Twitter Ev Williams đã nhắc tới khi ông đăng dòng tweet có nội dung “liệu chúng ta có thể để cho bộ phim xấu xí này kết thúc”.
Vấn đề là hội đồng quản trị Twitter có thể vi phạm nghĩa vụ ủy thác nếu để Musk làm như vậy, và phản hồi của Taylor cho thấy công ty này không có ý định làm điều đó.
Twitter cũng có một lập luận pháp lý rằng Musk đã tự khóa mình trong việc mua công ty với giá 54,2 USD/cổ phiếu. Việc cho phép Musk chấm dứt thương vụ sau khi trả phí bồi thường có thể đẩy cổ phiếu Twitter xuống thấp hơn nữa.
Elon Musk liệu có một lần nữa đổi ý trong thương vụ mua Twitter. Ảnh: Reuters
2. Twitter thắng kiện và Elon Musk phải mua công ty như thỏa thuận
Chưa từng có tiền lệ về việc tòa án áp dụng chế tài “Specific performance” (buộc thực hiện nghĩa vụ) cho một thỏa thuận có giá trị lên tới 44 tỷ USD. Tuy nhiên, ở Mỹ đã có những trường hợp thẩm phán ra quyết định yêu cầu người mua phải hoàn tất giao dịch dù họ không muốn.
Năm 2001, Tòa án Delaware Chancery ra phán quyết Tyson Foods phải mua IBP - khi đó là nhà phân phối thịt bò lớn nhất nước Mỹ, với mức giá thỏa thuận là 30 USD/cổ phiếu. Tyson đã cố gắng rút khỏi thương vụ này sau khi kết quả tài chính của cả hai công ty đều giảm sau khi thỏa thuận được ký kết – tương tự như cách Musk đang cố gắng rút lui khỏi thương vụ với Twitter. Dù vậy, thẩm phán đã tuyên bố Tyson phải thực hiện theo đúng thỏa thuận ban đầu, định giá IBP là 3,2 tỷ USD. Đến nay, Tyson vẫn sở hữu IBP.
Việc Musk buộc phải mua Twitter theo cam kết có thể là kịch bản tốt nhất cho các nhà đầu tư vào hãng công nghệ này. Tuy nhiên, nhân viên và cả Twitter có thể đối mặt với một tương lai đầy biến động. Nếu CEO Tesla thực sự không muốn sở hữu Twitter, một thương vụ miễn cưỡng có thể dẫn đến các vụ mua bán khác, thay đổi lãnh đạo và đội ngũ nhân viên bị cuốn vào một mớ hỗn độn kéo dài nhiều năm.
3. Twitter thắng kiện, Musk bồi thường thiệt hại
Theo giáo sư luật Morgan Ricks của Vanderbilt, một trường hợp khác có thể xảy ra khi Twitter thắng kiện là Musk sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Twitter thay vì hoàn tất thương vụ. Thẩm phán có thể lo ngại rằng CEO Tesla sẽ khiến quá trình chuyển đổi quyền sở hữu trở nên khó khăn và gây ra thiệt hại lớn.
4. Musk đồng ý giải quyết với Twitter
Theo kịch bản này, Musk sẽ trả 1 tỷ USD phí chấm dứt hợp đồng và khoản tiền hòa giải hàng tỷ USD. Tất nhiên, số tiền trên phải đủ lớn để hội đồng quản trị Twitter có thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng đây là một quyết định đúng đắn thay vì theo đuổi một vụ kiện tụng.
Elon Musk có thể không cần bồi thường nếu chứng minh được Twitter cung cấp thông tin sai lệch. Ảnh: Getty Images
5. Musk thắng kiện, không trả phí chấm dứt thỏa thuận
Nếu tỷ phú gốc Nam Phi chứng minh được rằng Twitter đã cung cấp cho ông thông tin sai lệch và những điều đó ảnh hưởng đến công ty, Musk có thể dừng thỏa thuận mà không cần trả phí. Trong đơn trình bày lý do tại sao chấm dứt thương vụ này, Musk khẳng định Twitter không tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng sau khi ký thỏa thuận sáp nhập.
Lập luận chính của Musk là Twitter đã không cung cấp đủ chi tiết hoặc bằng chứng để cho thấy các tài khoản spam của họ chiếm không quá 5% như công ty tuyên bố.
6. Musk lại đổi ý
Musk từng đồng ý tham gia hội đồng quản trị của Twitter, sau đó lại từ chối. Ông cũng từng chấp nhận mua Twitter với giá 44 tỷ USD nhưng sau đó lại đổi ý. Vì vậy khả năng tỷ phú giàu nhất thế giới đổi ý thêm một lần nữa hoàn toàn có thể xảy ra.
7. Thương vụ tiếp tục diễn ra với mức giá thấp hơn
Việc Musk đòi hủy thỏa thuận có thể là một trong những chiến thuật để mua lại Twitter với mức giá thấp hơn. Cổ phiếu công nghệ và các hãng truyền thông xã hội Mỹ đã giảm mạnh tính từ ngày 25/4 – thời điểm Musk đồng ý mua Twitter.
Vì vậy, Musk và Twitter có thể thỏa thuận lại để đưa ra mức giá phù hợp với sự điều chỉnh của thị trường.
8. Một người/công ty khác sẽ mua Twitter
Đây có thể là kịch bản khó xảy ra nhất. Tuy nhiên, rất có thể một người/công ty khác sẽ đề nghị mua lại Twitter với giá thấp hơn mức 52,4 USD/cổ phiếu mà Musk từng đưa ra. Hội đồng quản trị nền tảng mạng xã hội này có thể lập luận rằng thỏa thuận đó sẽ có lợi hơn so với việc tranh chấp với Elon Musk.
Dù vậy, kịch bản trên chỉ có nhiều khả năng xảy ra sau khi vụ kiện tụng chấm dứt, nếu Twitter thua kiện hoặc phải dàn xếp.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/cai-ket-cho-thuong-vu-giua-elon-musk-va-twitter-8-kich-ban-co-the-xay-ra-a9049.html