Mụn ẩn là gì?
Có nhân nhưng không gây sưng đau, không viêm, mụn ẩn là loại mụn nằm sâu dưới bề mặt da, bên trong nang lông, khó phát hiện và điều trị. Mụn ẩn rất khó để nhận ra bằng mắt thường mà phải trực tiếp dùng tay sờ lên mặt để cảm nhận. Phần mụn ẩn gây cảm giác thô ráp trên bề mặt da, mất thẩm mỹ và khiến bạn không tự tin với làn da của mình.
Mụn ẩn không chỉ làm làn da trở nên sần sùi, mất đi vẻ mịn màng vốn có, mà còn có thể gây giãn nở lỗ chân lông hoặc dẫn đến tình trạng viêm nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, không nên chủ quan với loại mụn này, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân gây mụn để có biện pháp xử lý phù hợp.
Mụn ẩn thường xuất hiện ở đâu?
Khác với mụn đầu đen, mụn mủ, mụn ẩn nhỏ li ti mọc thành từng cụm, tạo thành những vùng da sần sùi. Bên cạnh đó, mụn ẩn thường có màu sắc mờ nhạt, đồng nhất với màu da, nên càng khiến bạn khó nhận biết sự xuất hiện của loại mụn xấu xí này.
Mụn ẩn thường xuất hiện ở một số vị trí như:
- Mụn ẩn 2 bên má: Trên gương mặt, má là phần dễ chịu sự tác động từ bên ngoài và vô cùng nhạy cảm. Vi khuẩn rất dễ bám vào phần hai bên má và gây tổn thương, phát sinh mụn ẩn.
- Mụn ẩn ở trán: Trán là một trong những vị trí phổ biến dễ mọc mụn, bởi dễ tích tụ dầu nhờn và bám bẩn bởi tác động bên ngoài như: Tóc mái, đội nón...
- Mụn ẩn dưới cằm: Mụn ẩn ở khu vực dưới cằm hầu hết sẽ không mọc đơn lẻ mà phát sinh thành từng cụm và dễ lan ra xung quanh.
Nguyên nhân gây ra mụn ẩn
Có rất nhiều yếu tố khiến mụn ẩn đeo bám dai dẳng trên da của bạn, hoặc xuất hiện trở lại trong thời gian ngắn. Cùng điểm qua các nguyên nhân phổ biến gây ra mụn ẩn nhé!
1. Vệ sinh da mặt không sạch
Da mặt không được làm sạch đúng cách có thể khiến lượng dầu thừa còn tồn đọng trên da. Bên cạnh đó, bụi bẩn cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Da chết, bã nhờn kèm theo bụi bẩn không chỉ gây bít tắc mà còn tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển. Vì thế, việc làm sạch da mặt 2 lần mỗi ngày rất quan trọng. Dù không trang điểm, bạn vẫn nên dùng thêm bước tẩy trang để cuốn trôi lớp dầu thừa, cặn kem chống nắng và bụi bẩn, giúp sữa rửa mặt có thể dễ dàng làm sạch sâu bên trong lỗ chân lông. Đây là phương pháp double-cleansing đang được rất nhiều chị em ưa chuộng.
2. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể tác động rất lớn đến làn da của bạn. Uống không đủ nước, thức khuya, uống nhiều rượu bia, thức uống chứa caffein, đồ ngọt,... là những thói quen có thể làm da bạn lão hóa và tiết nhiều dầu hơn. Điều này vô tình là yếu tố khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn. Ngoài ra, chạm tay lên mặt, sử dụng khăn mặt không sạch, không giặt vỏ gối thường xuyên,... cũng là những việc làm lây lan vi khuẩn lên da mặt, khiến chúng phát triển mạnh mẽ. Nếu muốn tránh xa tình trạng mụn ẩn, bạn nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thường xuyên làm sạch những vật dụng có thể chạm lên da.
Bề mặt điện thoại cũng có thể là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn. Khi áp điện thoại lên mặt để nhận cuộc gọi, bạn có thể vô tình khiến chúng lây lan trên da. Vì thế, đừng quên làm sạch bề mặt điện thoại thường xuyên. Đây tuy là một hành động nhỏ nhưng có tác động rất lớn đến vệ sinh của da mặt.
3. Lạm dụng mỹ phẩm
Sử dụng các sản phẩm không phù hợp với loại da cũng có thể là nguyên nhân sinh ra tình trạng mụn ẩn. Các sản phẩm trang điểm chứa gốc dầu có thể làm bít tắc lỗ chân lông nếu không được làm sạch đúng cách. Vì thế, nếu bạn đang sở hữu làn da dầu, hãy lựa chọn các loại mỹ phẩm không chứa dầu (oil-free). Bên cạnh đó, cồn là thành phần khá phổ biến trong các loại dưỡng da, nhưng chúng có thể làm khô da và khiến da tiết ra nhiều dầu hơn. Đừng quên đọc kỹ bảng thành phần trước khi lựa chọn sản phẩm dưỡng da nhé!
Ngoài ra, việc sử dụng nhiều bước dưỡng da chồng lên nhau (layering) có thể khiến bạn gặp mụn ẩn. Không phải tình trạng da nào cũng nên áp dụng rập khuôn các sản phẩm được khuyến cáo. Hãy tìm hiểu thật kỹ và lắng nghe làn da của mình. Nếu mụn ẩn xuất hiện, bạn cần cân nhắc lại các bước dưỡng da của mình đã thật sự phù hợp hay chưa.
4. Nội tiết tố bên trong cơ thể
Ở tuổi dậy thì, trước ngày hành kinh, trong thời kỳ mang thai,... nội tiết tố trong cơ thể bị thay đổi, khiến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn bình thường. Lượng dầu thừa được sản xuất ra không được làm sạch đúng cách sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và sinh ra mụn. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc đặc trị có thể làm biến đổi lượng hormone trong cơ thể và gây mụn.
Đối với bất kỳ loại mụn nào, để điều trị triệt để đều cần hiểu rõ nguyên nhân và kiên trì áp dụng các phương pháp chữa trị và ngăn ngừa. Bạn không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, cho kết quả nhanh chóng. Chúng có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm, khiến da mỏng đi, dễ bắt nắng và tệ hơn là teo da. Nếu tình trạng mụn kéo dài, hãy liên hệ với bác sĩ da liễu để được tư vấn cách chăm sóc phù hợp.
Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/mun-an-la-gi-nhung-dieu-can-luu-y-a908.html