Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt

Đây là loại củ quen thuộc, giàu chất chống oxy hóa, tốt cho sức khỏe và được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.

Hành tây là loại rau thuộc chi Allium. Chi này cũng bao gồm tỏi, tỏi tây và hẹ.

Hành tây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật mạnh được chứng minh là có tác dụng tăng cường sức khỏe.

Trên thực tế, giá trị y học của hành tây đã được công nhận từ thời cổ đại, khi chúng được sử dụng để điều trị các bệnh như đau đầu, bệnh tim và lở miệng.

Giá trị dinh dưỡng

Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt - Ảnh 1.

Lợi ích sức khỏe của hành tây

1. Chứa nhiều chất dinh dưỡng

Hành tây giàu chất dinh dưỡng. Một củ hành tây cỡ vừa chỉ chứa 44 calo nhưng cung cấp một lượng đáng kể vitamin, khoáng chất và chất xơ.

Đặc biệt, hành tây chứa nhiều vitamin C. Vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch, sản xuất collagen, giúp vết thương nhanh lành.

Vitamin C cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể, bảo vệ các tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do gây ra.

Hành tây cũng rất giàu vitamin B - bao gồm folate (vitamin B9) và pyridoxine (vitamin B6) - đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, sản xuất hồng cầu và bảo vệ hệ thần kinh.

Ngoài ra, hành tây cũng là một nguồn cung cấp kali dồi dào. Kali là một trong những khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Kali giúp giảm lượng natri thông qua đường nước tiểu và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Bên cạnh đó, kali còn có tác dụng làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu, giúp ổn định huyết áp.

2. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Hành tây có chứa chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm giúp giảm chất béo trung tính và giảm mức cholesterol trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đặc tính chống viêm mạnh của hành tây cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc huyết áp cao và bảo vệ mạch máu, hạn chế hình thành cục máu đông.

Quercetin trong hành tây là một chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid có đặc tính chống viêm mạnh, giúp giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 70 người thừa cân và mắc huyết áp cao cho thấy, nhóm sử dụng 162mg chiết xuất hành tây giàu quercetin mỗi ngày đã giảm đáng kể huyết áp tâm thu (3 – 6 mmHg) so với nhóm sử dụng giả dược.

Một nghiên cứu trên 54 phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cho thấy tiêu thụ một lượng hành tây sống (40 – 50g/ngày đối với những người thừa cân và 50 – 60g/ngày đối với những người béo phì) trong 8 tuần giúp họ giảm cholesterol LDL “xấu” trong máu so với nhóm đối chứng.

Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng tiêu thụ hành tây có thể làm giảm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm chứng viêm, lượng chất béo trung tính trong máu và cục máu đông.

Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

3. Giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp ức chế quá trình oxy hóa - quá trình gây tổn thương tế bào và góp phần gây ra các bệnh như ung thư, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.

Hành tây là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời. Trên thực tế, chúng chứa hơn 25 loại chất chống oxy hóa flavonoid khác nhau.

Đặc biệt, hành tây đỏ có chứa anthocyanin - sắc tố thực vật đặc biệt trong họ flavonoid giúp hành tây có màu đỏ đậm.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu anthocyanin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tương tự, một nghiên cứu trên 93.600 phụ nữ cũng cho thấy những người ăn nhiều thực phẩm giàu anthocyanin như hành tây có nguy cơ bị đau tim thấp hơn 32% so với những phụ nữ ít khi bổ sung anthocyanin.

Ngoài ra, anthocyanin đã được cho là có thể bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư và bệnh tiểu đường loại 2.

4. Chứa các hợp chất chống ung thư

Các loại rau thuộc họ allium như hành tây có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Hành tây cũng chứa fisetin và quercetin, các chất chống oxy hóa có thể ức chế sự phát triển của khối u.

Một đánh giá dựa trên 26 nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn các loại rau thuộc họ allium có nguy cơ mắc ung thư dạ dày thấp hơn 22% so với những người ăn ít.

Một đánh giá khác dựa trên 16 nghiên cứu với 13.333 người đã chứng minh rằng những người thường xuyên ăn hành tây có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 15% so với những người ăn ít hành tây.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh rằng flavonoid trong hành tây có thể giảm sự phát triển của khối u buồng trứng và ung thư phổi.

Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

5. Kiểm soát đường huyết

Nhiều nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng tiêu thụ hành tây có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Một nghiên cứu ở 42 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã chứng minh rằng ăn 100 gam hành tây tím tươi có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói khoảng 40mg/dl sau 4 giờ.

Một nghiên cứu khác được thực hiện trên những con chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy những con chuột có chế độ ăn chứa 5% chiết xuất hành tây trong 28 ngày đã giảm lượng đường trong máu và có lượng mỡ cơ thể thấp hơn đáng kể so với những con chuột trong nhóm đối chứng.

Quercetin trong hành tây được chứng minh là có thể tương tác với các tế bào trong ruột non, tuyến tụy, mô mỡ và gan để kiểm soát sự điều chỉnh lượng đường trong máu của toàn cơ thể.

6. Kháng khuẩn

Hành tây có thể chống lại các vi khuẩn gây hại cho sức khoẻ, chẳng hạn như Escherichia coli (vi khuẩn E. coli gây tiêu chảy, nhiễm khuẩn huyết), Pseudomonas aeruginosa (gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm màng não, nhiễm trùng máu,…), Staphylococcus aureus (S. aureus gây nhiễm trùng da, viêm phổi,…) và Bacillus cereus (gây tiêu chảy, nôn mửa).

Quercetin chiết xuất từ hành tây dường như là một phương pháp hữu hiệu giúp cơ thể chống lại vi khuẩn.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm đã chứng minh rằng quercetin chiết xuất từ vỏ hành tây đã ức chế thành công sự phát triển của khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA).

H. pylori là một loại vi khuẩn có liên quan đến tình trạng viêm loét dạ dày và một số bệnh ung thư đường tiêu hóa. Trong khi MRSA là một loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây nhiễm trùng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.

7. Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa

Hành tây là một nguồn giàu chất xơ và prebiotics cần thiết cho sức khỏe của đường ruột. Prebiotics là loại chất xơ khó tiêu hóa được phân hủy bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Vi khuẩn đường ruột hấp thụ prebiotics và tạo ra các axit béo chuỗi ngắn - bao gồm axetat, propionat và butyrat.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các axit béo chuỗi ngắn giúp tăng cường sức khỏe đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa.

Chế độ ăn giàu prebiotics có thể giúp cải thiện sự hấp thụ các khoáng chất quan trọng như canxi, có thể cải thiện sức khỏe của xương.

Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Lưu ý khi ăn hành tây

Hành tây là một thực phẩm quen thuộc trong nhà bếp của nhiều gia đình. Chúng ta có thể dễ dàng kết hợp hành tây với nhiều loại thực phẩm khác để tạo thành các món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.

Hành tây có thể ăn sống hoặc nấu chín. Hành tây ăn sống có vị cay và hăng đặc trưng nhưng khi nấu chín lại có vị ngọt tự nhiên. Đối với hành tây sống, những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh ăn vì có thể sẽ làm tình trạng bệnh trở nặng và gây khó chịu cho đường tiêu hóa. Ngoài ra, hành sống có thể kích thích tiết axit dạ dày, mọi người không nên ăn hành sống khi bụng đói.

Nhìn chung, giá trị dinh dưỡng của hành tây tương đối cao, thêm hành tây vào chế độ ăn uống cũng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ăn một lượng hành tây hợp lý, tránh ăn quá nhiều và cũng không nên dùng hành tây để thay thế thuốc chữa bệnh.

Nguồn: Healthline, WebMD

Loại củ có đầy trong bếp, giúp ổn định đường huyết, ngừa ung thư: Ăn sống hay chín đều tốt - Ảnh 5.

https://soha.vn/loai-cu-co-day-trong-bep-giup-on-dinh-duong-huyet-ngua-ung-thu-an-song-hay-chin-deu-tot-20220731153033509.htm

Link nội dung: https://khoedepvietnam.vn/loai-cu-co-day-trong-bep-giup-on-dinh-duong-huyet-ngua-ung-thu-an-song-hay-chin-deu-tot-a9615.html