4 gạch đầu dòng ai cũng nên biết để có 2 quả thận khoẻ mạnh

Mới đây, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân lớn tuổi có sỏi thận có kích lớn sau mổ nặng tới 4,5 lạng.

Bệnh nhân 70 tuổi có tiền sử sỏi thận lâu năm bị đau thắt lưng nhiều nên phải đi khám. Do sỏi quá to bên bệnh viện tuyến dưới đã giới thiệu xuống bệnh viện E.

Tại bệnh viện kết quả khám ngoài sỏi thận 2 bên bệnh nhân còn bị xẹp đốt sống và xử lý bằng phương pháp bơm xi măng sinh học để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân có khối sỏi lớn bên phải nên vẫn gây đau âm ỉ, khó chịu.

Tuy nhiên, do bệnh nhân tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nên các bác sĩ cân nhắc mổ, trước Tết Nguyên đán các bác sĩ tạm xử lý bằng cách đặt JJ (ống dẫn lưu) cho bệnh nhân để hạn chế tình trạng ứ đọng nước trong thận. Ra Tết, bệnh nhân có mong muốn được phẫu thuật loại bỏ viên sỏi.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, sau khi phẫu thuật sỏi thận của bệnh nhân nặng đến 4.5 lạng, kích thước lên tới 14cm khiến các bác sĩ vô cùng bất ngờ.

"Với cân nặng và kích thước như vậy, đây là một trong số ít bệnh nhân được đánh giá có sỏi thận lớn nhất Việt Nam. Còn với sỏi bàng quang, có thể có viên sỏi sẽ lớn và nặng hơn, nhưng sỏi thận như vậy là hiếm gặp", bác sĩ Liên nói.

4 gạch đầu dòng ai cũng nên biết để có 2 quả thận khoẻ mạnh - Ảnh 1.

Khối sỏi sau khi tán ra khỏi cơ thể của bệnh nhân, ảnh BSCC.

Bệnh nhân được tiến hành mổ mở, trước khi mổ các bác sĩ thực hiện tán (bóp) một phần sỏi vụn ra trước để hạn chế kích thước vết mổ. Ca phẫu thuật diễn ra khá thuận lợi, viên sỏi nặng 4,5 lạng được lấy ra.

"Điều làm chúng tôi vui là vẫn giữ được chức năng của thận bên phải. Thông thường, với những trường hợp sỏi thận lớn như vậy nguy cơ cắt bỏ thận là rất lớn", bác sĩ Liên nói.

Hiện, sỏi thận bên trái của bệnh nhân cũng có kích thước, trọng lượng khoảng bằng 2/3 so với viên sỏi vừa được phẫu thuật lấy ra. Do người bệnh mới trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe còn yếu nên chưa thể xử lý ngay.

Trường hợp bệnh nhân này là do bị sỏi ứ đọng lâu năm, khiến cho kích thước ngày càng lớn dần. Nếu không được phẫu thuật, xử lý kịp thời sẽ gây ra tình trạng ứa mủ, đau tức, suy thận hoặc gây biến chứng tăng huyết áp rất nguy hiểm.

Theo bác sĩ Liên, có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi như: dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp….

Trong đó, các yếu tố như cơ địa, tiền sử gia đình, chuyển hoá, môi trường lao động, nhiễm trùng, chế độ ăn (lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu) là những yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.

Một số người ăn quá nhiều thực phẩm có chứa oxalate, canxi... sẽ là đối tượng có nguy cơ cao hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu.

Ở một số vùng quê, người dân dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) cũng sẽ có nguy cơ hình thành sỏi cao hơn.

Theo chuyên gia, để có 2 quả thận khỏe cần lưu ý những vấn đề sau:

- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Nguyên tắc tập luyện là phải tiêu hao năng lượng.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất và giảm muối. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.

- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cho thận hoạt động tốt, nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Lưu ý với người phù (biến chứng của thận ứ nước), người mắc bệnh tim mạch thì uống nước phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

- Kiểm soát đường huyết: Khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tổn thương thận, nếu không được điều trị tốt sẽ suy thận và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.