5 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận, tiểu đường

Người bệnh thận và tiểu đường nên hạn chế hoặc tránh thực phẩm chứa nhiều đường, natri và kali như thịt chế biến sẵn, nước ép trái cây và khoai tây.

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng như lọc máu, loại bỏ các chất thải, sản xuất hormone, tăng cường xương, điều chỉnh cân bằng chất lỏng và huyết áp. Nhiều yếu tố và tình trạng sức khỏe, bao gồm cả bệnh tiểu đường, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể làm hỏng các mạch máu, bao gồm mạch máu ở thận.

Chế độ ăn uống cho người bệnh thận và tiểu đường tùy thuộc giai đoạn của bệnh thận, nhưng nhìn chung bao gồm theo dõi lượng đường, natri, kali và phốt pho nạp vào cơ thể. Họ cũng nên lưu ý lượng protein vì thận không còn lọc các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh thận giai đoạn cuối có thể cần nhiều protein hơn.

Natri

Thực phẩm có hàm lượng natri cao, tức chứa nhiều muối, không tốt cho người bệnh thận và tiểu đường. Lượng natri dư thừa có thể gây căng thẳng cho thận, khiến huyết áp cao và tích tụ chất lỏng.

Các loại thịt chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt bò khô, được làm bằng cách sấy khô, ướp muối, bảo quản hoặc hun khói để tăng hương vị, kết cấu và thời hạn sử dụng của chúng. Chúng có hàm lượng natri cao nên cần hạn chế khi mắc bệnh thận và tiểu đường. Các thực phẩm tương tự cần cắt giảm là mì ăn liền, pizza đông lạnh, thức ăn nhanh...

Thịt xông khói, xúc xích... chứa lượng muối cao, người bệnh thận và tiểu đường nên hạn chế ăn. Ảnh: Ngọc Phạm

Thịt xông khói, xúc xích... chứa lượng muối cao, người bệnh thận và tiểu đường nên hạn chế ăn. Ảnh: Ngọc Phạm

Phốt pho

Thận suy yếu làm giảm khả năng loại bỏ lượng phốt pho dư thừa khỏi máu. Nồng độ phốt pho trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, làm yếu xương và tăng nguy cơ tử vong sớm.

Các loại nước ngọt có màu sẫm thường chứa phốt pho để ngăn đổi màu, kéo dài thời hạn sử dụng và tăng thêm hương vị. Tuy nhiên, chúng chứa một loại phốt pho khác với loại phốt pho có trong thực phẩm tự nhiên và loại này được hấp thụ vào máu dễ dàng hơn.

Đậu và đậu lăng cũng có hàm lượng phốt pho tương đối cao, chỉ nên tiêu thụ chúng với lượng nhỏ. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận mạn tính.

Quá trình hấp thụ phốt pho có thể khác nhau đối với các nguồn thực phẩm khác nhau. Chỉ có khoảng 40-50% phốt pho được hấp thụ vào cơ thể từ nguồn thực vật, so với 70% từ nguồn động vật.

Kali

Người bệnh thận không thể loại bỏ kali đúng cách, có thể dẫn đến tăng nồng độ kali trong máu. Nếu không được điều trị, tình trạng này gây mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về tim và tử vong.

Người bệnh nên hạn chế ăn các loại trái cây có hàm lượng kali cao như chuối, bơ, mơ, kiwi và cam. Nhiều loại rau lá xanh như rau cải bỏ xôi, rau cải xanh, cũng chứa một lượng lớn kali và có thể ăn ở mức vừa phải trong chế độ ăn uống thân thiện với thận.

Khoai tây và khoai lang cũng có hàm lượng kali cao, nhưng có thể ngâm hoặc rửa sạch để giảm đáng kể lượng kali. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy ngâm khoai tây sau khi nấu chín có thể giảm tới 70% lượng kali, phù hợp với người bị bệnh thận.

Đường bổ sung

Người bệnh thận và tiểu đường tốt nhất là hạn chế uống nước ép trái cây và các loại đồ uống có đường khác như soda. Chúng thường chứa nhiều đường bổ sung, gây tăng lượng đường trong máu. Điều này dẫn đến lo ngại vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ đường của cơ thể. Đường huyết cao kéo dài có thể khiến tổn thương thần kinh, tổn thương thêm cho thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Các loại thực phẩm tương tự bao gồm bánh nướng, kẹo, bánh quy và bánh rán.

Rượu

Uống nhiều rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận. Rượu cũng có thể tác động đến một số loại thuốc điều trị tiểu đường, tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như lượng đường trong máu thấp. Do đó, người thận và tiểu đường nên hạn chế lượng rượu uống vào.

Thực phẩm an toàn

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, một số thực phẩm phù hợp với chế độ ăn uống cho người bị bệnh thận và tiểu đường như rau (cà tím, củ cải, súp lơ, hành tây), trái cây (táo, mận, quả mọng, anh đào, nho), protein (thịt gia cầm nạc, cá, trứng, hải sản ít muối). Người mắc hai bệnh này cũng có thể dùng thực phẩm chứa carbohydrate như mì ống, bánh sandwich, bánh quy giòn không muối, bánh mì trắng, đồ uống như nước lọc, trà không đường.

Anh Ngọc (Theo Healthline)