Bé 4 tuổi bị bỏng do bóng bay bơm khí hydro phát nổ và cảnh báo của chuyên gia

Khi bé đang cầm chơi thì quả bóng bay bơm khí hydro phát nổ khiến trẻ bị bỏng tay phải. Theo các chuyên gia, khí hydro là loại khí dễ cháy nổ nên gia đình cần cẩn trọng khi lựa chọn cho trẻ chơi.

Ngày 1/2, bác sĩ Phạm Văn Đại, Trưởng Khoa Ngoại (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.T.K. (4 tuổi, trú tại TP Bắc Giang) bị bỏng bàn tay phải do bóng bay bơm khí hydro phát nổ.

Gia đình cho biết, sau Tết Nguyên đán, họ có mua cho con quả bóng bay bơm khí hydro để chơi. Khi bé đang cầm bóng chơi đùa thì bóng bay bất ngờ phát nổ lớn. Vụ nổ đã khiến bệnh nhi bị bỏng bàn tay phải.

Sau tai nạn, dù con bị chấn thương nhưng gia đình không đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Thay vào đó, gia đình lại cho con đắp thuốc Nam của một thầy lang.

Sau vài ngày, vết thương không khỏi mà ngày càng lan rộng. Lúc này, gia đình vội đưa bé vào Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang điều trị.

Tại Bệnh viện, qua kiểm tra, bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ 3; vết thương ở mu bàn tay phải, có tình trạng nhiễm trùng. Các bác sĩ đã nhanh chóng vệ sinh làm sạch vết thương, thực hiện kỹ thuật ghép da nhân tạo tại vị trí bị bỏng cho bệnh nhi.

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Đại cho biết, thông thường bệnh nhân trưởng thành khi bị bỏng ở tay thì sau 2-3 tuần sẽ bình phục. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, vết thương rộng cộng với việc dùng thuốc Nam trước đó khiến việc điều trị mất nhiều thời gian hơn. Do đó, bác sĩ Đại khuyến cáo, khi trẻ bị tai nạn chấn thương, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế thăm khám. Gia đình không nên cho con đắp thuốc Nam, chữa mẹo bởi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Cẩn trọng với bóng Hydro

Hiện nay, bóng bay chứa khí hydro được bán nhiều tại các lễ hội, nhiều bạn trẻ mua về treo trang trí trong dịp kỷ niệm sinh nhật, hội họp bởi giá phải chăng, màu sắc đẹp.

Theo các chuyên gia, khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy... cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi vì khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.

Khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.

Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng này để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Đặc biệt, khi cầm bóng, tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.

Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng.