Nhằm hình thành một không gian văn hóa giải trí, du lịch đồng thời phát huy giá trị thời đại của di tích Thành cổ Sơn Tây, dự kiến vào dịp lễ tới đây, UBND thị xã Sơn Tây sẽ đưa tuyến phố đi bộ đi vào hoạt động. Phố đi bộ xung quanh hào nước Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, bên cạnh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Tuyến phố đi bộ thí điểm Thành cổ Sơn Tây có chiều dài 820m gồm phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh; đường dạo phía ngoài của Thành cổ Sơn Tây; vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm; sân trước khu vực Trung tâm văn hóa thị xã và quảng trường sân vận động thị xã.
Thành cổ Sơn Tây được chọn làm thí điểm tuyến phố đi bộ thứ 4 ắt hẳn phải có lý do đặc biệt lắm. Muốn tìm hiểu ngọn ngành, có lẽ chúng ta cần ngược dòng tìm về nơi Thành cổ Sơn Tây tọa lạc. Men theo về phía Tây, cách trung tâm Thủ đô 45km, là thành cổ đá ong Sơn Tây trầm mặc bên bờ sông Tích Giang vẫn ngày đêm trấn giữ vùng đất xứ Đoài xưa.
Thành cổ Sơn Tây - Chứng tích lịch sử vô giá
Thành cổ Sơn Tây là một trong những Tứ Trấn Thăng Long, là nơi che chắn, bảo vệ kinh thành. Từ ngàn xưa, con số 4 đã có một giá trị văn hóa vô cùng to lớn, thể hiện một niềm tin bền vững vào sự trường tồn và huy hoàng của non sông gấm vóc. Chẳng thế mà người xưa rất coi trọng 4 vùng đất được coi là phên dậu che chở, bao bọc lấy mảnh đất kinh kỳ - Thăng Long một thuở vàng son.
Sơn Tây (trấn Tây, xứ Đoài) là một trong Tứ trấn quan trọng, bên cạnh Kinh Bắc (trấn Bắc, trấn Khảm), Sơn Nam (trấn Nam, trấn Ly), Hải Dương (xứ Đông, trấn Hải Đông, trấn Hải Dương) tạo nên Thăng Long Tứ Trấn hùng mạnh ôm lấy vùng đất thiêng Thăng Long.
Bản đồ Thăng Long Tứ Trấn.
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là tòa thành cổ - công trình quân sự độc đáo bậc nhất và duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam. Đồng thời, Thành cổ Sơn Tây cũng là một trong những tòa thành hiếm dưới thời Minh Mạng còn tồn tại đến ngày nay.
Với tổng diện tích khoảng 16 hecta, Thành cổ Sơn Tây không chỉ là công trình mang hơi thở đặc trưng của xứ Đoài được xây bằng đá ong. Mà nơi đây còn là căn cứ quân sự quan trọng bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa.
Thành cổ Sơn Tây xưa.
Dưới thời nhà Nguyễn, Thành cổ Sơn Tây cũng từng là thủ phủ của vùng Tam tuyên rộng lớn gồm Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thành cổ Sơn Tây phát huy mạnh mẽ giá trị quân sự của mình là một pháo đài oanh liệt của vua tôi nhà Nguyễn.
Sự quyết liệt của dân ta khi ấy cũng không đủ sức quật lại những cơn nã đạn không ngừng nghỉ của Pháp.
Cổng thành còn lại dấu tích của hai khẩu thần công.
Chưa dừng lại ở đó, sự đồng lòng và bền bỉ hy sinh máu cùng nước mắt của nhân dân, khi kháng chiến kết thúc, ta đã bảo vệ thành cổ thành công. Năm tháng sau này, nơi đây trở thành căn cứ quân sự, tổ chức những cuộc họp kín của Chính phủ. Mặc dù bị thời gian và sương gió bào mòn, nhưng thành cổ Sơn Tây chính là một chứng tích lịch sử vô giá, là minh chứng cho tinh thần quật khởi, đấu tranh kiên cường của dân ta.
Kiến trúc mang hơi thở phương Tây nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt
Nếu như mảnh đất kinh kỳ Thăng Long được trấn giữ, che chở bằng 4 ngôi đền thiêng là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh thì Thành cổ Sơn Tây cũng vậy. Bốn bề tứ hướng nơi đây đều có 4 cổng chính hướng về Đông, Tây, Nam, Bắc tương ứng với các tên cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả và cửa Hữu.
Toàn cảnh Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao.
Tọa lạc giữa khung cảnh thơ mộng của vùng đất Sơn Tây đẹp đẽ, tòa thành cổ hiện lên sừng sững, gánh trong mình bao câu chuyện bí ẩn và dấu tích của một thời kỳ lịch sử. Nơi đây đã tạc vào lòng đất mẹ, thấm vào từng hàng đá ong những thăng trầm của lịch sử, để giờ đây con cháu người Việt có thể tự hào về thời kỳ ông cha dựng và giữ nước.
Theo thư tịch cổ, Thành cổ Sơn Tây hình tứ giác với chu vi 326 trượng 7 thước (khoảng 1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (khoảng 4,4m), có bốn cổng thành: Tây, Đông, Nam, Bắc. Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (khoảng 1792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (khoảng 4m).
Tứ môn thành cổ Sơn Tây xưa.
Thành cổ Sơn Tây được đánh giá là một trong bốn tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu và đẹp nhất khu vực phía Bắc, đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1994.
Thành cổ Sơn Tây nằm trên phần đất của hai làng cổ Thuần Nghệ và Mai Trai. Charles Edouard Hocquard - một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp đã ghi lại về thành cổ Sơn Tây tháng 4/1884 trong hồi ký “Chiến dịch Bắc Kỳ - Une Campagne au Tonkin” của mình như sau: “... cách Sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào đầy nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành.
Những người An Nam gọi đường đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30m, bố trí nhiều lỗ châu mai.”
Đá ong - Linh vật bảo vệ xứ Đoài?
Thành cổ Sơn Tây phỏng theo kiến trúc Vauban. Thực chất, Vauban là một kỹ sư người Pháp. Kiến trúc phòng thủ quân sự này được đặt theo tên của ông. Thành trì cổ này mang đậm dấu tích của xứ Đoài bởi nơi đây được xây dựng từ đá ong - loại đá đặc trưng của địa phương.
Dưới mưa nắng xứ Đoài, loại đá ong này như thách thức với thời gian. Loại đá tưởng chừng vô tri vô giác ấy lại trở thành một tấm khiên chắn cứng cáp, giúp xây thành đắp lũy khiến giặc ngoại xâm bao lần trăn trở, bó tay.
Đá ong đã có ở vùng đất này ngàn đời, không chỉ là hồn cốt xứ Đoài mà sau này còn là làng nghề nuôi sống bao nhiêu con dân của bản xứ.
Xây nhà bằng đá ong đã khó, xây thành còn khó hơn. Những tảng đá ong thô kệch đòi hỏi kỳ công hơn nhiều so với đất vữa. Người ta phải thực hiện thủ công, đẽo gọt những hòn đá ong thật chuẩn, dùng kỹ thuật chít mạch tinh tế để kết nối chúng lại với nhau. Nhà ở hay thành trì xây bằng đá ong bền lắm, ở mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Đâu chỉ vậy, khi trời giông bão thì sức chịu đựng của loại vật liệu này tốt hơn nhiều so với gạch thông thường.
Những bức tường thành hiện nay chỉ còn là phế tích, phần vôi vữa bong lở để lộ ra hình hài những hòn đá ong quá khổ xếp chồng lên nhau. Phải chăng sự cứng rắn như thách thức với thời gian ấy tượng trưng cho tinh thần quật khởi của dân xứ Đoài, cũng là đất mẹ âm thầm bảo vệ cho mảnh đất cổ này?
Tứ môn Thành cổ Sơn Tây
Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông và có tên là cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu và cửa Tả. Xưa kia, 4 cổng đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ còn hai cổng chính là cửa Tiền và cửa Hậu còn cầu gạch bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu).
Kỳ lạ ở mỗi cổng thành đều có cổ thụ với bộ rễ dày nổi lên như vươn tay ra chống đỡ lấy khung cổng xưa bị thời gian ăn mòn.
Kiến trúc của thành là trục nối hai cửa Tiền và cửa Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc - Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi, nơi đây đặt trụ sở UBND thị xã Sơn Tây, hướng thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ, phố Phùng Khắc Khoan. Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo, con phố này nối với phố Ngô Quyền, đi thẳng quốc lộ 32 là lên làng cổ Đường Lâm.
Những bộ rễ hàng trăm năm tuổi bám chặt, bao bọc lấy cổng thành tạo nên vẻ bí ẩn, cổ xưa.
Là nơi đắc địa để xây dựng thành trì quân sự, Thành cổ Sơn Tây cũng mang đầy đủ yếu tố địa thế phong thủy. Đi về phía Bắc khoảng 2km là con sông Cái. Phía Tây và Tây Nam là sông Tích - nơi dẫn hào tự nhiên tốt nhất để ngăn cản quân địch từ xa khi chúng xuất quân từ phương Bắc. Phía Nam và Đông có địa hình thuận lợi để tiếp ứng hoặc rút lui của quân phòng thủ.
Bí ẩn mạch nước ngầm hơn 200 năm chảy trong lòng Thành cổ
Cửa Nam hiện là cửa chính, xưa kia xây dựng thành quay về hướng triều đình nhà Nguyễn (hướng Nam). Tiến từ cổng Nam vào là khoảng sân rộng, dùng để tiến hành các lễ Sóc Vọng Xuân - Thu nhị kỳ.
Phía trong thành có các kiến trúc như cột kỳ đài (cột cờ) cao khoảng 18m, bên dưới là bệ được xây bằng đá ong. Hai bên là hai giếng Ngọc cũng được xây bằng đá ong. Xưa kia ở bốn góc thành có 4 giếng nước hình vuông to, xây bậc đá ong xuống tận đáy để quân lính lấy nước sinh hoạt nhưng ngày nay chỉ còn lại 2 giếng.
Vọng lâu (cột cờ) trong Thành cổ Sơn Tây vào tháng 4 năm 1884.
Theo nhiều người dân nơi đây, trong lòng thành cổ còn chứa đựng một tài nguyên quý. Đó chính là nguồn nước. Khi xưa, người Pháp khoan giếng nơi đây và phát hiện ra mạch nước ngầm. Sau giải phóng, khi chính quyền tiếp quản thì mạch nước vẫn tiếp tục chảy. Hiện nay, trạm bơm nước này vẫn còn, hòa vào mạng lưới nước máy của thị xã để cấp nước sạch cho nhân dân.
Được biết, mạch nước cổ trong thành cổ rất trong và sạch vì được thẩm thấu qua đá ong và lọc sạch được nhiều độc tố trong đó. Thậm chí, người dân nơi đây không thích dùng nước máy mà dùng nước giếng khoan đá ong. Nấu ăn, pha trà, nấu chè từ nước giếng khoan đá ong đều cho mùi vị thơm ngon hơn nhiều.
Kỳ đài được tu bổ vào năm 2004 có hình tháp 8 cạnh, cao 18m với nhiều ô cửa sổ nhỏ hứng trọn ánh nắng mặt trời mỗi sớm mai. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, cũng là địa điểm quan sát cao nhất của lính An Nam xưa. Bên trong tháp là một cầu thang đá xoáy trôn ốc với 50 bậc.
Ngoài ra, ở Thành cổ Sơn Tây, các công trình kiến trúc đặc sắc phải kể đến là Điện Kính Thiên và Đoan môn.
Vọng Cung (còn được gọi là Hành Cung hay Điện Kính Thiên) nằm trong di tích Thành cổ Sơn Tây được xây dựng năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Công trình kiến trúc này bị phá hủy vào năm 1947, được phục dựng cùng vị trí cũ và hoàn thành vào tháng 9 năm 2007. Đây là nơi hằng năm trong những kỳ đại lễ các quan đầu tỉnh tổ chức tế trời đất và hướng về Kinh đô, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đồng thời, Điện Kính Thiên cũng là nơi mỗi khi nhà Vua vi hành, tuần thú tạm dừng chân để hành lễ.
Đoan môn nằm thẳng với kỳ đài, gồm 3 cửa, cửa chính nằm giữa, hai cửa nhỏ nằm hai bên.
Cứ thế, những biến cố lịch sử, những thăng trầm của thời đại mài mòn chứng tích lịch sử ngày nào. Có dấu ấn lịch sử nào mãi mãi mà không bị hư hao bởi thời gian? Ấy vậy mà, trải qua 200 năm bể dâu, đến nay, thành cổ Sơn Tây vẫn lừng lững đi cùng thời gian, trở thành một chứng tích lịch sử quý giá để con cháu nhiều đời sau tự hào, trân trọng và giữ gìn. Gắn liền với con số 4, "tứ" nhưng "bất tử", thành cổ vẫn còn đó, dù không nguyên vẹn, nhưng vẫn vọng về nét xưa hoài cổ, cho thấy sự oai phong của những trang sử hào hùng, bất khuất của dân tộc.
https://afamily.vn/bi-an-mach-nuoc-ngam-hon-200-nam-chay-trong-thanh-co-son-tay-thanh-da-ong-duy-nhat-o-viet-nam-noi-sap-tro-thanh-pho-di-bo-thu-4-cua-ha-noi-20220310233835589.chnNhịp sống Việt