Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ.
Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Bởi vậy, việc nắm rõ tình trạng sức khỏe là rất cần thiết. Đặc biệt, khi hiểu được những dấu hiệu đột quỵ sớm sẽ giúp bạn thăm khám kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cơ bản:
Tê yếu cơ mặt, tay hoặc chân, lú lẫn, khó nói và suy giảm thị lực: Theo một nghiên cứu năm 2005 trên tạp chí Neurology, thiếu máu cục bộ thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo người bệnh có khả năng xảy ra đột quỵ trong vài ngày tới. Người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, mặc dù triệu chứng này thường kéo dài không quá 5 phút.
Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ thoáng qua gồm: Tê yếu cơ mặt hoặc cơ tay chân, chóng mặt, lú lẫn, khó nói và suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
Mất thăng bằng đột ngột khi đang đi bộ: Nếu bạn cảm thấy chân mình không thể đứng vững bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
Vấn đề về thăng bằng không chỉ có thể là dấu hiệu của đột quỵ toàn phát mà còn là hiện tượng thiếu máu cục bộ thoáng qua, có nghĩa là triệu chứng này có thể xảy ra 1 tuần trước khi xảy ra đột quỵ.
Bạn cảm thấy đau đầu đột ngột, tê hoặc ngứa ran: Các chuyên gia chuyên khoa tim ở London, Anh nhấn mạnh các dấu hiệu của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không có thời gian để hành động. Mọi người sẽ trải qua các triệu chứng như nhức đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước khi họ bị đột quỵ nghiêm trọng.
Đau thắt tức ngực: Đau thắt tức ngực là triệu chứng thường gặp, cảnh báo đột quỵ trước một tuần. Theo các thống kê, dấu hiệu này chiếm tới 70% các trường hợp bị đột quỵ. Theo đó, bệnh nhân cảm thấy đau tức như bị vật gì đè nặng ở ngực, ở một số trường hợp khác sẽ có cảm giác nóng rát, đau nhức khó chịu như bị cấu xé.
Các cơn đau thắt tức ngực này có thể xuất hiện ở mọi thời điểm ngay cả khi người bệnh dành thời gian để nghỉ ngơi. Vì thế, ngay khi có triệu chứng này, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Chân tay phù nề, luôn cảm thấy thiếu ngủ: Nếu như luôn cảm thấy buồn ngủ mặc dù thời gian ngủ rất nhiều thì cần phải cảnh giác vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo của chứng đột quỵ nguy hiểm. Nguyên nhân là vì khi sắp đột quỵ, cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược, khó tránh khỏi cảm giác buồn ngủ, thiếu ngủ.
Hơn nữa, tình trạng thiếu ngủ còn do tim gặp phải những khó khăn khi phải hoạt động bơm máu đi nuôi các bộ phận khác trong cơ thể. Ngoài ra, một số tĩnh mạch ở mắt cá chân, bàn chân thiếu máu bị sưng lên, dẫn đến phình giãn tĩnh mạch, khiến chân tay phù nề. Lúc này, nhiều khả năng chứng đột quỵ đã tới gần. Vì thế, người bệnh cần đi khám ngay lập tức trước khi quá muộn.
Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ:
Thời gian vàng là khoảng thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỉ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.
Theo đó, là từ 4 - 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông. Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.
Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.
Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?
Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng:
Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải: Giữ thông thoáng môi trường chung quanh bệnh nhân để giúp họ thở tốt. Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.
Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra nếu có.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
Đồng thời, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt về các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...
Lưu ý:
Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.
Hồng Anh (T/h theo Sức Khỏe& Đời Sống, VTC NEWS)