Chuyên gia nêu lý do Yagi tăng cấp siêu bão chỉ trong 24h, cảnh báo hình thái bão khi vào Vịnh Bắc Bộ

Các chuyên gia khí tượng Trung Quốc cảnh báo, siêu bão Yagi có tính cực đoan và sẽ giữ cấu trúc khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ, gây mưa to gió lớn.

Yagi tăng cấp thành siêu bão trong 24 giờ

Siêu bão Yagi, một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024, đã đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc vào lúc 16h20 (giờ địa phương), New York Times (NYT) dẫn nguồn Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc cho hay. Cơ quan này cho rằng Yagi là cơn bão mạnh nhất tấn công vào đảo Hải Nam trong 1 thập kỷ qua.

Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên quân thuộc Hải quân Mỹ, đến tối nay 6/9, bão Yagi gây ra gió mạnh liên tục với sức gió lên tới hơn 230km/h, tương đương với một cơn bão cấp 4.

Trước đó, Yagi đã tăng cấp từ bão nhiệt đới trở thành siêu bão chỉ trong vòng 24 giờ di chuyển trên Biển Đông.

Theo chuyên viên Xiang Chunyi của Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ bề mặt ở phía Bắc Biển Đông tương đối cao. Nhiệt độ nước biển ở khu vực Yagi đi qua nhìn chung vượt quá 30 độ C. Nhìn từ điều kiện khí quyển, hiện tượng gió đứt theo chiều dọc của bão Yagi rất nhỏ, khiến đối lưu trong không khí gia tăng. Trong khi đó, gió mùa Tây Nam liên tục mang hơi ẩm từ biển nhiệt đới vào trung tâm áp thấp, duy trì năng lượng của bão.

(Gió đứt là sự thay đổi của gió về tốc độ và hướng theo chiều ngang hoặc chiều dọc trong một khoảng cách ngắn.)

Các cơn bão được hình thành trong khoảng tháng 9 đến tháng 11 được gọi là bão mùa thu. Theo kĩ sư Zhou Guanbo của Trung tâm Khí tượng Trung ương Trung Quốc, Yagi hình thành vào ngày 1/9 và được xếp vào loại bão này.

"So với bão mùa hè, bão mùa thu thường có cường độ mạnh hơn. Nguyên nhân là bởi vào cuối hè đầu thu, nhiệt độ bề mặt biển cao, cung cấp nhiều năng lượng hơn cho bão. Đồng thời, mùa thu không khí lạnh hoạt động, khi bão gặp phải bộ phận không khí lạnh yếu thì có thể gây ra mưa gió mạnh hơn", Zhou nói.

Siêu bão Yagi có thể giữ nguyên cấu trúc khi tiến vào Vịnh Bắc Bộ

Các chuyên gia khí tượng Trung Quốc cảnh báo, bão Yagi khi đổ bộ có tính cực đoan. Hiện tại sức gió lớn nhất ghi nhận gần tâm bão lên tới hơn 230km/h. Gần khu vực đổ bộ, tức phía bắc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu dễ xuất hiện gió lớn cực đoan và mưa lớn, không loại trừ khả năng xuất hiện lốc xoáy ở vùng ven biển Quảng Đông và đảo Hải Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, sau khi đổ bộ vào Hải Nam, siêu bão Yagi vẫn sẽ giữ được cấu trúc mây dông xoắn ốc và tiếp tục di chuyển qua vịnh Bắc Bộ gây ảnh hưởng đến các khu vực khác. Dự kiến bão Yagi sẽ đi qua phía Bắc của đảo Hải Nam trước khi di chuyển qua Vịnh Bắc Bộ và tiếp tục đổ bộ vào các tỉnh thành phía Bắc của Việt Nam vào ngày mai 7/9.

Tân Hoa xã dẫn nguồn trung tâm chỉ huy khẩn cấp của công ty điện lưới Hải Nam cho biết, Yagi đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện của Hải Nam, gây mất điện trên nhiều tuyến đường. Tính đến 17h30 ngày 6/9 (giờ địa phương), có 830.000 hộ sử dụng điện đã bị ảnh hưởng.

Đơn vị cung cấp điện của Trung Quốc đã tổ chức một đội ứng phó khẩn cấp gồm hơn 7.000 người, sẵn sàng tham gia sửa chữa ngay lập tức khi điều kiện cho phép.

Siêu bão đã khiến hơn 1 triệu người ở Trung Quốc phải đi sơ tán, đóng cửa trường học và doanh nghiệp, báo động về nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt.

Các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất, đồng thời cảnh báo người dân về nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt. Bắc Kinh cũng đã điều động lực lượng ứng phó tới Quảng Đông và Hải Nam để hỗ trợ người dân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Chính quyền Hải Nam yêu cầu người dân không rời khỏi nhà và đóng cửa tất cả các cơ sở không thiết yếu, chợ, phương tiện giao thông công cộng, trường học và địa điểm du lịch.

Sở Giao thông Vận tải của tỉnh Quảng Đông cũng quyết định ngừng hoạt động 6 tuyến đường cao tốc và cây cầu lớn nối liền Hong Kong, Macau với Chu Hải. Tại Hải Nam, sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩu hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay trong ngày 6/9.