6h sáng, cậu thiếu niên đột ngột xuất hiện đau vùng bìu trái, đau nhói liên tục, không ăn uống được gì. Tuy nhiên, gia đình tưởng rằng đây chỉ là cơn đau bình thường nên cho con uống một viên thuốc giảm đau. Dù vậy, tình trạng này không hề thuyên giảm.
Đến 8h30, cơn đau bìu càng ngày tăng lên, trẻ thấy cực kỳ khó chịu. Lúc này, bố mẹ ngay lập tức nghỉ làm đưa con tới Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội.
Khi thăm khám, các bác sĩ nam khoa dễ dàng nhận ra đây trường hợp xoắn tinh hoàn với các đặc điểm triệu chứng khởi phát đột ngột, tinh hoàn treo cao, ấn có điểm đau chói.
BS Đỗ Ích Định, khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, ngay lập tức, các nhân viên y tế khởi động quy trình dành cho trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, với hy vọng trong thời gian cửa sổ có thể giữ được tinh hoàn cho trẻ.
Bệnh nhi được đưa đi siêu âm doppler, đồng thời phòng mổ cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Sau 40 phút được đưa vào viện, trẻ đã được đưa lên phòng mổ.
Các bác sĩ nhận thấy tinh hoàn trái tím đen, do thừng tinh xoắn 1,5 vòng ở gốc nên tiến hành tháo xoắn, ủ bằng huyết thanh ấm, phong bế thừng tinh. Sau 20 phút chờ đợi, tinh hoàn hồng trở lại và được cố định vào khoang bìu. Trẻ đã thoát được nguy hiểm trong gang tấc.
Theo BS Định, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu tối khẩn cấp, khi đó thừng tinh bị xoắn quanh trục dẫn đến thiếu cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến hoại tử. Thời gian cửa sổ để có thể cứu được tinh hoàn dao động trước 6 giờ, sau khoảng thời gian "vàng" này, tinh hoàn rất khó để có thể bảo tồn được.
Tình trạng này thường gặp trước hoặc trong tuổi dậy thì, khi thời tiết lạnh, dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt, xảy ra vào ban đêm hoặc rạng sáng hoặc trên các trường hợp có bất thường về cấu trúc của tinh hoàn.
Khi bị xoắn tinh hoàn, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng bìu, thường là đau đột ngột, có thể đau dữ dội ở bên bìu có chứa tinh hoàn bị xoắn. Cơn đau có thể lúc tăng lúc giảm nhưng nhìn chung sẽ không biến mất hoàn toàn.
Biểu hiện của xoắn tinh hoàn gồm:
- Đau bìu đột ngột là triệu chứng thường gặp nhất, với đặc điểm đa phần là đau dữ dội, liên tục tăng dần.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Rối loạn tiểu tiện.
- Bìu sưng to, treo cao.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa. Bệnh nhân cần được phẫu thuật sớm để bảo tồn tinh hoàn. Nếu xoắn tinh hoàn không được xử trí, điều trị kịp thời có thể gây tổn hại vĩnh viễn tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn bắt buộc phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở 10-25 tuổi.
Tiên lượng tình trạng xoắn tinh hoàn dựa vào hai yếu tố thời gian xoắn và mức độ xoắn. Trong 6 giờ đầu tính từ lúc xuất hiện cơn đau bẹn bìu đầu tiên, cơ hội cứu được tinh hoàn là rất cao 90-100%. Tỷ lệ này giảm đi theo thời gian (6-12 giờ còn 50%, 12-24 giờ là 20%, trên 24 giờ gần như phải cắt bỏ do hoại tử).
Vì thế, bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ xuất hiện cơn đau vùng bìu, gia đình cần đưa con đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.