Cơn khát dòng giày Kobe Bryant

Khi mùa giải mới bắt đầu và nguồn cung Nike Kobe ngày một cạn kiệt, "cơn khát" về dòng giày mà các cầu thủ bóng rổ yêu thích sẽ tăng lên không ngừng.

Nike và Kobe Bryant đã tạo ra một số đôi giày thể thao bóng rổ tốt nhất trong lịch sử NBA. Dòng giày thể thao này trở nên phổ biến đến mức không ít cầu thủ diện chúng cả lúc trên sân đấu và trong phong cách đời thường.

Khi thỏa thuận của hai bên kết thúc vào tháng 4, không còn sản phẩm nào được sản xuất. Điều này tạo ra một sự gia tăng nhu cầu đối với giày thể thao của cố huyền thoại Kobe Bryant.

Giá giày tăng cao

Theo ESPN, giày thể thao của Kobe Bryant trở thành dòng sneakers phổ biến nhất đối với các cầu thủ NBA trong những năm gần đây. Trong mùa giải 2019-2020, hơn 100 cầu thủ đã mang trên chân mẫu Kobe 4 Protro - phiên bản tái phát hành theo phong cách retro của đôi giày thể thao Kobe Bryant ban đầu đã diện vào năm 2008.

"Thế hệ ngày nay nhìn giày Kobe như chúng tôi nhìn Jordan. Chúng mang lại cảm giác tuyệt vời. Không ít chàng trai đã 'phải lòng' với những mẫu giày ấy ", cầu thủ bóng rổ DeMar DeRozan cho biết. Ngoài tư cách là thành viên đội Chicago Bulls, anh còn được biết đến với vai trò "trưởng khoa của những người hâm mộ giày Kobe".

Anthony Davis cũng đồng tình với ý kiến của DeMar DeRozan. Anh cho biết nhiều người được truyền cảm hứng từ Kobe Bryant. Sau khi chuyển sang Los Angeles Lakers vào năm 2019, cầu thủ 28 tuổi quyết định đổi sang dùng giày Kobe.

cau thu nba tich tru giay kobe bryant anh 1

Hơn 100 cầu thủ đã diện mẫu Kobe 4 Protro trong mùa giải 2019-20. Ảnh: UltraSports.TV.

Trong Orlando Bubble 2020 (khu vực cách ly do NBA tạo ra để bảo vệ cầu thủ khỏi dịch bệnh), vài tháng sau cái chết bi thảm của Kobe Bryant, gần một phần ba trong số 330 cầu thủ mang phiên bản giày đặc trưng của cố huyền thoại bóng rổ. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, nguồn cung là vấn đề mà những người chơi giày Kobe đang vướng phải. Nguồn cung vẫn có, giày được bán tại một số nhà bán lẻ. Song với mỗi kích cỡ, số lượng giày không đủ nhiều để thỏa mãn nhu cầu mà các cầu thủ NBA thường cần. Sự khan hiếm của kích cỡ lớn khiến giá cả leo thang trên các trang web bán lại giày thứ cấp.

Nhiều cầu thủ NBA mặc áo từ cỡ 14 trở lên đang xem xét việc chi ít nhất 800 USD cho các mẫu cơ bản nhất của giày Kobe. Một số người nói rằng họ đã chi hàng chục nghìn USD để có được giày Kobe trên thị trường thứ cấp, kể từ mùa xuân và hè năm ngoái.

cau thu nba tich tru giay kobe bryant anh 2

Kobe 6 Grinch thường xuyên được bán hết sau khi Kobe Bryant qua đời. Ảnh: Sneaker News.

"Trò chơi" giày Kobe

Nhiều cầu thủ hiện lùng sục trên trang web, cố gắng tìm kiếm những kho dự trữ bị lãng quên để có được đôi giày yêu thích và diện chúng trong trận đấu. Họ đang cạnh tranh với nhau để sở hữu những kích cỡ lớn, có sẵn trên thị trường.

Được coi là "deadstock" (tình trạng giày hoàn toàn mới, chưa từng thử và có đầy đủ phụ kiện), giày Kobe bước vào thị trường cổ điển phát triển vượt bậc. Các cầu thủ NBA đã theo đuổi những đôi giày deadstock trong nhiều năm, thường là để bổ sung vào bộ sưu tập để diện trên hoặc ngoài sân đấu.

Cuộc săn giày Kobe được ví như một trò chơi hoàn toàn mới, ngay cả đối với những người được trả tiền để mặc đồ của Nike. Cầu thủ Giddey đã ký hợp đồng nhiều năm với hãng thể thao Mỹ trước mùa giải. Nhiều cầu thủ như Giddey đang chi hơn 1.500 USD để tậu về một đôi Kobe. Họ cố gắng tích trữ giày cho mùa giải này và sau đó.

Khi thông tin Nike và Kobe Bryant chấm dứt hợp đồng được công bố, hãng lặng lẽ nói với các nhà quản lý thiết bị của đội để họ chuẩn bị giày Kobe.

"Một số người trong chúng tôi nhận được thông tin và bắt đầu tích trữ giày Kobe. Vào thời điểm tin tức được đưa ra, tôi đã tích trữ đủ trong khoảng hai năm", Jae Crowder tiết lộ.

Những ngôi sao có những hợp đồng giày lớn như LeBron James có xu hướng tung ra thiết kế mới trong mỗi trận đấu. Mặt khác, có cầu thủ diện lại các mẫu giày cũ. Jae Crowder cho biết nguồn cung trong hai năm của anh là 100 đôi, vì anh diện khoảng 50 đôi/năm.

Trong khi đó, Anthony Davis sử dụng ít hơn. Anh nói sẽ sử dụng khoảng 20-25 đôi trong nguồn cung Kobe tương đối cạn của mình trong mùa giải này.

Sự thiếu hụt về nguồn cung đặc biệt ảnh hưởng đến các cầu thủ trẻ. Họ là những người yêu mến Kobe Bryant và dòng giày của anh.

Một số người chơi không có nguồn cung cấp sâu buộc phải chuyển đổi. Một số nhà quản lý thiết bị cho biết các cầu thủ mùa này đã chuyển sang mẫu Nike Kyrie Irving Low, có thiết kế tương đồng với giày Kobe. Những người khác đang sử dụng dòng mới phổ biến hơn của thương hiệu là GT. Tuy nhiên, nhiều mẫu giày đặt làm đã bị trì hoãn khi hãng và các nhà bán lẻ giải quyết việc đóng cửa nhà máy ở châu Á do dịch bệnh.

Một quản lý thiết bị cho biết các khách hàng của anh sẽ tận dụng và đi giày Kobe cho đến khi chúng mòn, gần như rách hẳn.

Khi thảo luận về vấn đề này, các cầu thủ liên tục bày tỏ hy vọng rằng hãng và gia đình Kobe Bryant có thể đi đến một thỏa thuận mới. Song cây viết của ESPN dự đoán nếu tình huống này xảy ra, sẽ rất lâu nữa giày Kobe mới trở lại.

Các dòng sản phẩm của Nike thường mất 12-16 tháng để sản xuất. Đây là khoảng thời gian trước khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù bằng cách nào, khi mùa giải mới diễn ra, nguồn cung giày Kobe dần cạn kiệt và không có người thay thế, nhu cầu về các thiết kế được yêu thích sẽ chỉ tăng mà không giảm.

cau thu nba tich tru giay kobe bryant anh 5

Cuộc săn giày Kobe được không ít "đầu giày" quan tâm. Ảnh: Nike News.