COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, phòng dịch sẽ thay đổi ra sao?

Việc Bộ Y tế bổ sung COVD-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp và được hưởng Bảo hiểm xã hội theo Thông tư 02 mới ban hành, có hiệu lực từ 01/4 tới đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Sự thay đổi này sẽ tác động như thế nào đến những cán bộ tuyến đầu chống dịch; hiệu quả công tác phòng dịch sẽ được thay đổi ra sao? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh nội dung này.

COVID-19 là bệnh nghề nghiệp, phòng dịch sẽ thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Việc Bộ Y tế bổ sung COVD-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp và được hưởng Bảo hiểm xã hội theo Thông tư 02 mới ban hành, có hiệu lực từ 01/4 tới đã thu hút sự chú ý của dư luận.

PV: Mới đây, Bộ Y tế đã bổ sung Covid- 19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp và sẽ được thanh toán bảo hiểm xã hội. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đưa bệnh COVID-19 vào bệnh nghề nghiệp là hoàn toàn chính xác vì là bệnh lây nhiễm; những người làm nghề có thể bị nhiễm. Thực tế trong thời gian qua nhiều cán bộ y tế hoặc những cán bộ tham gia vào việc phòng, chống dịch cũng bị nhiễm COVID-19.

Khi bị nhiễm thì gây ra những triệu chứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí có cả những trường hợp đã tử vong. Hiện nay cũng có trường hợp hậu COVID-19, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên cần đưa vào để giải quyết những chính sách, quyền lợi của những người làm nghề hoặc những người có tham gia.

PV: Theo ông, việc bổ sung COVID-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp và được thanh toán bảo hiểm y tế sẽ có tác động như thế nào đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiệu quả công tác phòng chống dịch phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn rằng đây là quyền lợi của những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì họ phải được hưởng. Còn tất nhiên nó có những tác dụng nhất định trong công tác đó nhưng phải có đánh giá.

Đây là quyền lợi của người ta và đấy là hoàn toàn đúng. Ví dụ những người lao động làm hầm mỏ bị bệnh phổi silic; rồi bị bệnh điếc nghề nghiệp là tiếng ồn, còn bên y tế là làm việc trong môi trường lây nhiễm, người ta được hưởng cái phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong môi trường lây nhiễm đấy, chẳng hạn chăm sóc, khám, chữa bệnh y tế thôi, chứ còn bệnh nghề nghiệp thì nó khác, còn đi đôi với nhiều cái quyền lợi khác, ví dụ như có thể bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe quyền giải quyết chế độ nghỉ hưu trước thời hạn chẳng hạn.

PV: Với sự thay đổi này thì chính sách phòng chống dịch COVID-19 sẽ thay đổi ra sao?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây là đưa vào bảo hiểm đây là bệnh nghề nghiệp đối với những người quy định, những đối tượng được hưởng bảo hiểm bệnh nghề nghiệp này chứ không phải là áp dụng cho người dân.

Các biện pháp phòng chống thì vẫn phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng chống một cách nghiêm ngặt để không bị lây nhiễm, trong y tế thì như thế , tại cơ sở y tế ra sao, khi làm nhiệm vụ như thế nào, cũng như cộng đồng thế nào… Còn tất nhiên đấy là việc không may bị nhiễm trong quá trình phát hiện thôi. Đây là vấn đề bảo vệ quyền lợi cho những người làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

PV: Xin cảm ơn ông!