Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết
Động tác xoa bóp, massage tốt cho người nhiễm vi khuẩn HP dạ dày
Với những người bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP, ngoài việc tuân thủ điều trị theo phác đồ dùng thuốc thì việc duy trì tập luyện thể chất, áp dụng các phương pháp dưỡng sinh cũng góp phần hỗ trợ quá trình điều trị.
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo phác đồ dùng thuốc, việc duy trì tập luyện thể chất, áp dụng các phương pháp dưỡng sinh cũng góp phần hỗ trợ quá trình điều trị vi khuẩn HP - Ảnh minh họa
Xoa bóp, massage
- Xoa trung tiêu: Người thực hiện nắm tay thuận lại, tay còn lại úp lên trên. Tiến hành xoa bóp quanh rốn khoảng 10-20 lần theo hình tròn sau đó tiếp tục xoa ngược chiều lại khoảng 10-20 lần.
- Day ấn nhẹ nhàng các huyệt: Tác dụng hành khí kiện vận, trợ giúp tiêu hóa của tỳ vị.
Các huyệt bao gồm thượng quản (cách rốn 5 thốn - đơn vị đo chiều dài sinh học trên cơ thể mỗi con người), trung quản (cách rốn 4 thốn), hợp cốc (trên mu bàn tay, giữa ngón cái và ngón trỏ, cách bờ xương bàn ngón số hai 1 khoát ngón tay), túc tam lý (từ hõm dưới ngoài khớp gối xuống 3 thốn), thượng cự hư (huyệt dưới huyệt túc tam lý 1 thốn)…
Trường hợp người có triệu chứng viêm dạ dày do HP lâu ngày, ăn uống kém, chán ăn đầy hơi, người mệt mỏi hụt hơi không có sức (theo y học cổ truyền thường thấy trong các hội chứng tỳ vị khí hư hoặc tỳ dương hư), nên kết hợp với châm và hơ cứu ấm ở các huyệt có tác dụng bổ khí, và sử dụng thêm thuốc thảo dược để kiện tỳ trừ thấp trọc, hỗ trợ điều trị bệnh.
Bác sĩ Ngân lưu ý thêm, đối với các bài tập thở nên tập vào buổi sáng sớm hoặc vào cuối ngày trước khi ngủ, kết hợp tập thở và thư giãn cho toàn cơ thể. Khi tập các bài tập vận động thể lực cần lưu ý cách xa bữa ăn 1 - 2 giờ, tránh tập khi bụng quá no hoặc đang quá đói.
Ở trường hợp người bệnh đang đau dạ dày cấp, bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp xoa trung tiêu, day ấn nhẹ nhàng các huyệt như trên để tác động vào kinh lạc của tỳ vị.
Trường hợp đang đau dạ dày cấp thì không nên vận động mạnh, cần nghỉ ngơi và ăn uống thức ăn ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa.
Cần lưu ý khi đi lại vận động sau bữa ăn có nguy cơ làm tăng mức độ trào ngược dạ dày - thực quản. Vì vậy, người bệnh nhiễm vi khuẩn HP cần nghỉ ngơi sau ăn khoảng 30 phút, cũng như tránh ăn quá no trước khi vận động thể lực.
Vai trò của tập luyện với người nhiễm vi khuẩn HP
Tăng cường sức khỏe: Các khuyến cáo tham gia hoạt động thể chất cường độ vừa phải như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, tập với dụng cụ… tối thiểu 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút mỗi tuần với cường độ mạnh sẽ có lợi cho một cuộc sống khỏe mạnh.
Giảm nguy cơ mắc ung thư: Một nghiên cứu về mối liên quan giữa hoạt động thể chất và giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày trên dân số Hàn Quốc vào năm 2018 cho thấy mức hoạt động thể chất cao có liên quan đến việc giảm đáng kể về rủi ro của ung thư dạ dày đối với toàn bộ dân số trong nghiên cứu.
Trong quá trình điều trị HP, người bệnh cần đặc biệt quan tâm đến quá trình ăn uống. Ngoài đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và có khả năng chống lại vi khuẩn như rau, củ, quả; thực phẩm chứa lợi khuẩn...
Nên hạn chế một số thực phẩm có hại, làm nặng thêm các triệu chứng viêm loét dạ dày như: đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chứa nhiều axit, rượu, bia, cà phê, nước uống có gas, chất kích thích.