Báo The Guardian (Anh) ngày 18-2 dẫn lời các nhà khoa học cho biết các đoạn DNA trên đã được chứng minh là giúp các khối u kháng lại những loại thuốc chống ung thư. Việc phát hiện những mẩu vật liệu di truyền này - được gọi là DNA ngoại nhiễm sắc thể hoặc ecDNA - có thể cách mạng hóa liệu pháp điều trị một số khối u ác tính nhất ảnh hưởng đến con người ngày nay.
GS Paul Mischel - Trường ĐH Stanford (bang California - Mỹ), một trong những người dẫn đầu chương trình nghiên cứu vừa nêu - cho biết: "Phát hiện này là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chúng tôi tin rằng các đoạn DNA đó đứng sau một số lượng lớn bệnh ung thư tiến triển nặng hơn và nghiêm trọng nhất đang ảnh hưởng đến con người ngày nay. Nếu chúng ta có thể ngăn chặn hoạt động của chúng, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của những căn bệnh ung thư này".
Các nhà khoa học phát hiện DNA ngoại nhiễm sắc thể đóng vai trò là gien gây ung thư. Ảnh: PA
Trong khi đó, nhà di truyền học Howard Chang, Trường ĐH Stanford, bình luận: "Chúng tôi phát hiện ecDNA - đóng vai trò là gien gây ung thư - bằng cách nào đó tự tách mình khỏi nhiễm sắc thể của một người và hoạt động theo cách phá vỡ các quy tắc di truyền thông thường".
Chương trình nghiên cứu trên là một phần của sáng kiến "Những thách thức lớn đối với ung thư", do Viện Nghiên cứu ung thư Anh và Viện Ung thư quốc gia Mỹ tài trợ.
Các nhà khoa học tin rằng họ có thể tìm ra cách loại bỏ ecDNA khỏi cơ thể bệnh nhân thông qua thuốc hoặc một số hình thức trị liệu.