Khu di tích Bạch Đằng Giang nằm bên bờ dòng sông Bạch Đằng lịch sử, trên địa phận thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm Tp.Hải Phòng khoảng 20 cây số.
Khu di tích được xây dựng trên nền những dấu tích cổ, nhất là liên quan đến 3 chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trước quân xâm lược diễn ra trên sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981 và 1288. Trải qua 8 năm, từ năm 2008 đến năm 2016, khu di tích mới được hoàn thiện như ngày nay.
Công trình hoàn thành muộn nhất của Khu di tích Bạch Đằng Giang là Quảng trường Chiến Thắng (năm 2016). Tại đây, đặt 3 bức tượng cỡ lớn của vua Lê Đại Hành, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 981; Đức Vương Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn góp công lớn vào 3 lần thắng giặc Nguyên Mông, nổi bật là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Cả 3 chiến thắng trên sông Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử kể trên đều bắt nguồn từ sự tính toán thần kỳ của cha ông ta liên quan đến thủy triều của dòng sông, đến những bãi cọc nhọn đã đâm thủng biết bao tàu chiến của quân xâm lược. Vì thế, ngay cạnh Quảng trường Chiến Thắng, có mô hình bãi cọc Bạch Đằng tái hiện những chiến thắng huy hoàng trong lịch sử dân tộc ta.
Ngoài bãi cọc kể trên, tại Nhà Bảo tàng của Khu di tích Bạch Đằng Giang còn trưng bày những chiếc cọc gỗ cả nghìn năm tuổi và những hiện vật có liên quan đến 3 lần chiến thắng quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Ghé thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang, du khách có dịp thắp hương tri ân và tưởng nhớ những vị vua, tướng tài, lãnh tụ có nhiều công lao với đất nước tại các đền thờ: Vua Lê Đại Hành, Đức Vương Ngô Quyền, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ở đây còn có Đền thờ Thánh Mẫu với tín ngưỡng tôn thờ Mẫu (người mẹ), Trúc Lâm tự Hàng Kênh mô phỏng theo mô hình chùa Đồng Yên Tử thờ Phật, trụ Chiến Thắng với dòng chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”...
Tại Khu di tích Bạch Đằng Giang, còn có khu vực Vườn tượng với rất nhiều bức tượng mô phỏng quá trình ông cha ta chế tác và đóng cọc gỗ xuống lòng sông Bạch Đằng góp phần tạo nên 3 chiến thắng quân xâm lược lẫy lừng trong lịch sử. Quanh khu vực này, có rất nhiều lim xanh, loại gỗ xưa kia dùng để làm cọc Bạch Đằng, đã được đưa về trồng.
Đặc biệt, trong khuôn viên của Khu di tích Bạch Đằng Giang còn có một số cây bàng vuông được đưa từ quần đảo Trường Sa về trồng. Loại cây này rất khó trồng vì chúng không thích hợp với không khí lạnh vào mùa đông ở miền Bắc.
Ngoài những hiện vật liên quan đến 3 lần chiến thắng quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang, điều làm người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế rất thích thú là nơi đây hoàn toàn không thu phí, không có rác thải, trong khuôn viên không có hàng quán.
Bạch Đằng Giang là khu di tích “3 không” đầu tiên của Hải Phòng. Sau này, còn có thêm một số khu di tích ở thành phố Cảng cũng thực hiện điều này, như Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), Khu tưởng niệm Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (huyện An Dương)...
Khu di tích Bạch Đằng Giang càng được biết đến rộng rãi bởi sự kiện tháng 9/2019, người dân địa phương tình cờ phát hiện một số cọc gỗ trong chiến thắng Bạch Đằng xưa trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng.
Sau đó, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật 3 hố với diện tích khoảng 1.000 m2. Tại đây, đã phát hiện gần 30 cọc gỗ Bạch Đằng ở độ sâu 50 cm đến 1 m. Các cọc này chủ yếu được làm bằng gỗ lim, sến.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu liên quan tới 3 chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử gắn liền với tên tuổi của Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ngày 4/11/2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3229/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Khu di tích Bạch Đằng Giang là Di tích cấp quốc gia.
Một số hình ảnh người dân địa phương, khách du lịch du Xuân tại Khu di tích Bạch Đằng Giang ở thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng: