Ngày 19/10, hội thảo “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN” được Bộ Y tế phối hợp Báo Tiền Phong tổ chức.
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc Gia, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Nghị quyết 20 nêu rõ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện; tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện… đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp..
Còn Nghị quyết 31 nêu rõ mục tiêu ưu tiên đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, chăm sóc sức khỏe người dân, kể cả lĩnh vực y tế dự phòng…
Theo ông Khuê, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên rất cao, đối mặt mô hình bệnh tật kép, lây nhiễm như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tay chân miệng; bệnh không lây nhiễm nhưng ung thư, huyết áp, tim mạch, béo phì, tiểu đường, thiếu dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa… dẫn đến các bệnh viện phải căng mình ra ứng phó. Bên cạnh đó là tai nạn giao thông, già hóa dân số (Việt Nam có hơn 10 triệu người già); an toàn vệ sinh thực phẩm; biến đổi khí hậu… cũng là một thách thức lớn đối với một thành phố lớn như Tp.HCM.
Mục tiêu xây dựng Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 với 4 nội dung cơ bản, gồm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh.
Ông Khuê thông tin, tình hình công tác quản lý khám, chữa bệnh tại Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trung bình 15%. Địa phương không chỉ là một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà còn là một trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực phía Nam của cả nước.
Ngoài ra, Tp.HCM hiện có điểm đánh giá chất lượng bệnh viện tốt hơn nhiều so với trung bình chung cả nước, không có nhóm tiêu chí nào dưới 3,5 điểm.
“Để Tp.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực y tế chuẩn quốc tế và liên kết quốc tế; liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại”, ông Khuê nói.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn thành phố được thực hiện bằng nhiều giải pháp.
Một là xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Hai là cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Ba là giải pháp để Tp.HCM trở thành điểm đến du lịch y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
"Sở Y tế cũng đề xuất lãnh đạo Tp.HCM chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành phố thành 3 cụm y tế khi xây dựng đề án phát triển Tp.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN", ông Dũng cho biết.