Những tổn thương do
Hệ miễn dịch tấn công não bộ: Căn bệnh viêm não xa lạ dễ gây tử vong
Viêm não tự miễn là bệnh lý còn xa lạ đối với nhiều người nhưng lại là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây viêm não. Bệnh đặc trưng bởi các tổn thương não do chính hệ miễn dịch của cơ thể gây ra.
Sau 5 ngày điều trị lâm sàng bệnh nhân có cải thiện hơn, hết loạn thần, còn rối loạn trí nhớ, cơn co giật được kiểm soát nhưng kết quả xét nghiệm dịch não tủy lần 2 không thay đổi, tổn thương mới trên phim cộng hưởng từ hiện rõ ràng hơn.
Với bệnh sử từ trước kết hợp với lâm sàng khởi phát bởi co giật và rối loạn tâm thần và bất thường trong dịch não tủy, các bác sĩ đã hội chẩn và nghĩ nhiều đến viêm não tự miễn và chỉ định xét nghiệm một số xét nghiệm viêm não tự miễn (làm tại Bệnh viện Nhi trung ương) và kết quả mẫu huyết thanh của bệnh nhân dương tính với kháng thể kháng LGI1.
Kháng thể LG1 là 1 trong 6 loại tự kháng thể phổ biến trong bệnh viêm não tự miễn đang được xét nghiệm chẩn đoán tại Việt Nam.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định và điều trị theo hướng viêm não tự miễn, sau 3 tháng bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng tái phát.
PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy, trưởng khoa sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết viêm não tự miễn là dạng viêm não xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh ở não bộ, là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây viêm não.
Đây là bệnh lý có thể gây ra các suy giảm nhanh chóng về cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Tự kháng thể liên quan tới viêm não tự miễn có thể được tìm thấy trong máu hoặc dịch não tủy của một số bệnh nhân.
Viêm não tự miễn có thể liên quan tới các tình trạng nhiễm vi khuẩn, vi rút trước đó, các bệnh lý tự miễn hoặc các khối u (khối u buồng trứng, khối u tinh hoàn…).
Trong nhiều trường hợp, bệnh lý này chưa được nhận diện và chẩn đoán chính xác, có thể bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần kinh khác.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi với biểu hiện từ thần kinh, tâm thần đến hôn mê, co giật
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, cho biết viêm não tự miễn là bệnh lý còn xa lạ đối với nhiều người, được đặc trưng bởi các tổn thương não do chính hệ miễn dịch của cơ thể gây ra. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn và tự tấn công các tế bào khỏe mạnh ở não bộ. Đây là bệnh lý khó chẩn đoán và tỉ lệ di chứng rất cao.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt tiền sử tổn thương não trước đó, nhưng thường gặp ở phụ nữ trẻ nhiều hơn.
Các triệu chứng của viêm não tự miễn rất đa dạng, bao gồm các dấu hiệu về thần kinh và tâm thần, thường diễn biến tương đối nhanh qua vài tuần hoặc vài tháng.
- Triệu chứng thần kinh: suy giảm ý thức, mất nhận thức, giảm khả năng học tập và làm việc, rối loạn chức năng ngôn ngữ, cử động cơ thể bất thường hoặc nhiều cơn co giật đa dạng, giảm/mất thị lực, giảm trí nhớ, yếu liệt vận động tay chân.
- Triệu chứng tâm thần: rối loạn giấc ngủ và các rối loạn tâm thần như lo lắng, thay đổi khí sắc, loạn thần với hoang tưởng, ảo giác hoặc hội chứng căng trương lực.
- Biến chứng nặng: hôn mê, co giật nhiều gây phù não, suy hô hấp, nguy cơ chết não, tiêu cơ vân do co giật gây suy thận cấp, liệt kéo dài teo cơ, cứng khớp về sau.
Tỉ lệ tử vong không cao nhưng bệnh khó chẩn đoán và điều trị nên thường phát hiện bệnh muộn, tỉ lệ di chứng về thần kinh, tâm thần cao, phụ thuộc chăm sóc y tế lâu dài về sau.
Nếu được điều trị tích cực, 75% bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn, 25% bệnh nhân nguy cơ để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong.
6 nhóm triệu chứng chính của viêm não tự miễn:
1. Rối loạn hành vi hoặc chức năng nhận thức: Lo âu, mất ngủ, ảo tưởng, hoang tưởng, hung hãn, cáu gắt. Thường theo sau đó là giai đoạn xen kẽ giữa kích động và đờ đẫn bất động.
2. Rối loạn lời nói: Bệnh nhân nói huyên thuyên hoặc trở nên ít nói dần và nặng hơn là hoàn toàn không tiếp xúc với xung quanh.
3. Giảm ý thức.
4. Loạn động: Loạn động miệng - lưỡi - mặt, đặc trưng là nhai miệng, cắn lưỡi, lưỡi đưa qua lại liên tục trong miệng; Loạn động ở thân mình gồm gồng cứng cơ toàn thân, múa vờn tay chân, thất điều (cử động vụng về và khó giữ thăng bằng, đi loạng choạng).
5. Co giật khu trú hay có thể toàn thể hóa.
6. Rối loạn thần kinh thực vật: Sốt cao, nhịp tim thay đổi nhanh chậm từng lúc, huyết áp cao, giảm thông khí dù không hôn mê.