Sở GD&ĐT TPHCM vừa công bố những thông tin về bệnh học đường, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh trong Hội nghị tổng kết công tác chính trị, tư tưởng năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra hôm 3/10.
Học sinh lớp 1 ở TPHCM năm học 2023- 2024 (Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Nguyễn Dũng)
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thống kê từ năm học 2022-2023, trong gần 2.000 trường học tại thành phố, tỷ lệ các trường tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh đạt trên 98%. Kết quả kiểm tra cho thấy số học sinh thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất với 32,28%, bệnh khúc xạ về mắt 28,85%, sâu răng 23,23% và suy dinh dưỡng 4,58%.
Hiện nhân viên y tế chuyên trách học đường tại các trường học vẫn chưa đồng bộ. Số trường có nhân viên y tế đúng quy định đạt gần 60%, hơn 20% trường có nhân viên y tế có chuyên môn nhưng chưa đạt chuẩn và gần 20% trường có nhân viên y tế nhưng không đúng chuyên môn.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, Bộ GD&ĐT quy định nhân viên y tế cùng với các vị trí khác như văn thư, thủ quỹ, kế toán chỉ được bố trí 2-3 biên chế, tùy quy mô trường học. Vì vậy, các trường đang thiếu cơ chế tuyển dụng nhân viên y tế trường học. Giải pháp đưa ra là đơn vị có thể tính toán đưa phương án thay thế như hợp đồng chuyên trách, cơ chế đãi ngộ để thu hút nhân sự.
Sở GD&ĐT TPHCM khuyến cáo, trong lúc chưa tuyển dụng được nhân viên y tế chuyên trách có trình độ chuyên môn, trường học phải phân công nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế học đường và ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để triển khai công tác này.
Không cắt bữa ăn đột ngột
Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM nhìn nhận, để hạn chế thừa cân béo phì, cần có thời gian để trẻ học cách ăn uống thông minh và sự động viên khen ngợi của người lớn cũng đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, nhiều gia đình khi thấy trẻ tăng cân nhanh khó kiểm soát đã vội vã điều chỉnh bằng cách cắt bữa ăn sáng, loại bỏ sữa ra khỏi thực đơn. Điều này khiến trẻ dễ bị hạ đường huyết, kém tập trung, chiều cao ngừng tăng trưởng.
Bác sĩ Hương khuyến cáo, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, việc giảm dần năng lượng nạp vào cơ thể cần thực hiện một cách khoa học. Phụ huynh có thể giảm 1/4 lượng cơm và lượng thức ăn trong 3 bữa ăn chính, trừ rau xanh; giảm ăn vặt; kiểm soát lượng chất béo, lượng đường trong khẩu phần; kiểm soát lượng thức ăn trong bữa chính; chọn món canh, trái cây ít năng lượng; ăn tiệc thông minh và chọn sữa dành tiêng cho trẻ thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, bác sĩ còn lưu ý việc cắt giảm khắt khe lượng chất béo trong khẩu phần sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng chiều cao, da kém mịn màng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do cơ thể trẻ không nhận đủ các vitamin tan trong chất béo có vai trò bảo vệ. Cách tốt nhất là chế biến các món ăn bằng chảo không dính và dùng lượng chất béo ít, vừa đủ để món ăn ngon.
Một sai lầm khác của phụ huynh là cắt giảm lượng cơm trong khẩu phần của trẻ, nhưng lượng thức ăn thì không kiểm soát. Trong quá trình chế biến, thực phẩm dùng làm các món ăn được tẩm ướp với đường, mật ong rồi chế biến với mỡ, dầu, bơ, tóp mỡ, một số món còn ăn kèm với hành mỡ, mayonaise, nước sốt. Năng lượng từ lượng thức ăn này có thể cao hơn cơm trắng gấp nhiều lần làm trẻ tăng cân nhanh. Ngoài ra, các loại trái cây chuối, trái bơ, xoài, mít, sầu riêng, nho Mỹ và các loại trái cây khô cũng rất giàu năng lượng, nên hạn chế cung cấp cho trẻ thừa cân béo phì.