Khám đau bụng buồn nôn, tá hỏa phát hiện ruột bé 7 tuổi hoại tử phải cắt bỏ

Thấy con đau bụng, nôn, bố mẹ nghĩ đây là tình trạng rối loạn tiêu hoá thường gặp, cho tới khi đến viện bác sĩ thông báo trẻ bị xoắn ruột nguy hiểm tính mạng.

Sau ăn tối xong, khoảng 14 tiếng trước khi nhập viện Sản Nhi Bắc Giang, bé N.T.T. (7 tuổi, trú tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) khóc liên tục, kêu đau bụng và nôn nhiều lần.

Bệnh nhi được đưa tới bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc tái, phản xạ kém, sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, không đo được huyết áp và độ bão hoà oxy trong máu chỉ còn 85%. Các bác sĩ khoa Ngoại đã cấp cứu hồi sức cho bệnh nhi, thăm khám lâm sàng thấy bụng trẻ căng chướng, bí trung - đại tiện; đồng thời chỉ định cho cháu làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm, chụp X-quang bụng.

Các chỉ số xét nghiệm huyết học, sinh hoá đều ở mức không an toàn: số lượng bạch cầu tăng rất cao. Kết quả siêu âm thấy quai ruột giãn, giảm nhu động ruột, có dịch tự do trong ổ bụng. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xoắn ruột, viêm phúc mạc toàn thể và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí thương tổn thực thể.

Quá trình phẫu thuật nhiều dịch đen trào ra, nhiều quai ruột tím đen, hỗng tràng bị xoắn tại gốc mạc treo gây hoại tử đen không còn khả năng hồi phục. Với tình trạng như vậy, các bác sĩ đã hút bớt dịch ổ bụng, cắt bỏ các quai ruột hoại tử.

Trải qua hơn 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật thực hiện thành công giúp cháu bé thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Khám đau bụng buồn nôn, tá hỏa phát hiện ruột bé 7 tuổi hoại tử phải cắt bỏ - Ảnh 1.

Bác sỹ CKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại thăm khám cho trẻ trước khi xuất viện.

Xoắn ruột là dạng bệnh cấp tính gây tắc ruột. Hậu quả của xoắn ruột xảy ra nhanh và nặng nề, gây ra các rối loạn toàn thân và tại chỗ, đồng thời quai ruột và mạch máu mạc treo…. bị thắt nghẹt dễ dẫn đến hoại tử, thủng và viêm phúc mạc nếu không được xử trí kịp thời.

BSCKI Phạm Văn Đại - Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho biết, đây là ca bệnh phức tạp nhất bởi bệnh nhi nhập viện tương đối muộn khi đã có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, mất ý thức và trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu gia đình đưa trẻ nhập viện chậm trễ chỉ khoảng 1 tiếng thì khả năng trẻ sẽ tử vong. Điều đáng nói là do bệnh nhi được đưa tới viện muộn nên phần lớn ruột đã bị hoại tử buộc phải cắt bỏ và phải làm hậu môn nhân tạo.

“Hiện sức khoẻ của bé hồi phục tốt, các bác sĩ cũng dặn dò kỹ lưỡng chế độ chăm sóc trẻ cho người nhà. Dự kiến sau khoảng 2 tháng nữa chúng tôi sẽ thực hiện phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo để cháu có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt tốt hơn ”, bác sĩ Đại nói.

Bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu cấp tính của những bệnh đường tiêu hoá như nôn, đau bụng mà không rõ nguyên nhân thì cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện.